Với vị trí địa lý và vai trò cửa ngõ du lịch của khu vực miền Trung – Tây Nguyên kết hợp với giá trị lịch sử giao thương, giao lưu văn hóa, các sản phẩm ẩm thực tại Đà Nẵng có sự giao thoa, hội thụ văn hóa ẩm thực các vùng miền Việt Nam và quốc tế nhưng vẫn lưu giữ được những nét đặc sắc riêng của ẩm thực truyền thống địa phương. Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẵn có nguồn tài nguyên phong phú cung cấp nguyên vật liệu đa dạng, góp phần tạo nên nét đặc trưng của ẩm thực vùng miền.
Sở hữu đường bờ biển trải dài với bờ cát trắng mịn, các bãi tắm tại Đà Nẵng thu hút đông du khách đến nghỉ dưỡng và thưởng thức ẩm thực. Dọc tuyến đường ven biển Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa, du khách không khó để tìm được một quán hải sản tươi ngon, giá cả phải chăng, được chế biến đa dạng, hấp dẫn.
Đến với Đà Nẵng, du khách sẽ bất ngờ với sự đa dạng các món ăn và đa dạng lựa chọn các nhà hàng từ cao cấp tại khách sạn – resort đến cơ sở ẩm thực truyền thống, bình dân, từ món ăn buổi sáng, buổi trưa đến buổi tối và thưởng thức ẩm thực về đêm. Nếu ai đã từng đến Đà Nẵng chắc hẳn sẽ không còn lạ lẫm với tuyến phố ẩm thực điểm tâm Huỳnh Thúc Kháng, tuyến phố ẩm thực đêm Phạm Hồng Thái phục vụ vô vàn những món ăn đặc trưng như bún chả cá, mỳ Quảng, bún mắm, bánh xèo, nem lụi, bò kho, chè, giải khát… Những du khách yêu thích trải nghiệm gần gũi với người dân địa phương có thể thưởng thức bữa ăn tại khu ẩm thực các chợ truyền thống như chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Bắc Mỹ An…kết hợp tham quan, mua sắm.
Nhằm duy trì, khai thác và phát triển ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, kích thích chi tiêu và thu hút các thị trường khách du lịch, chuyên gia, nhà đầu tư…và nâng tầm ẩm thực Đà Nẵng, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, vừa khuyến khích các cơ sở kinh doanh ẩm thực nâng cao chất lượng dịch vụ, vừa áp dụng nhiều cơ chế, chính sách phù hợp về phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc.
Đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được UBND thành phố Đà Nẵng ban hành tại Quyết định số 2726/QĐ-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2022 xác định sản phẩm du lịch ẩm thực thuộc nhóm sản phẩm du lịch chính, cần tập trung nâng cấp chất lượng dịch vụ của sản phẩm hiện có, đồng thời phát triển các sản phẩm mới, sáng tạo. Trong đó, tập trung xây dựng và phát triển ẩm thực địa phương, miền Trung và món ngon Việt Nam trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Chú trọng yếu tố “chuẩn vị”, “ngon mắt – ngon miệng” và thể hiện “đặc trưng vùng miền” trong từng sản phẩm.
Lồng ghép quảng bá giá trị văn hóa ẩm thực trong nhiều sự kiện du lịch thường niên như Lễ hội Tận hưởng mùa hè, Lễ hội Chào năm mới, Mùa du lịch biển…, các nghệ nhân đã trình diễn tráng bánh tráng, tráng mỳ lá, đúc bánh xèo, gói bánh nậm, bánh bột lọc, mô phỏng lại hoạt động của các làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, các cuộc thi, các chương trình biểu diễn chế biến ẩm thực đã được tổ chức như: Hội thi đầu bếp giỏi Đà Nẵng mở rộng, các chương trình tour ẩm thực – cooking class, tổ chức các gian hàng ẩm thực vùng miền và quốc tế…. Tại các cơ sở đào tạo nghề và nghiệp vụ du lịch trên địa bàn thành phố cũng tăng cường đầu tư nguồn lực, trang thiết bị, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với ngành đầu bếp, chế biến thực phẩm đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của lĩnh vực dịch vụ du lịch. Song song với đó, ngành du lịch thành phố triển khai tăng cường quảng bá ẩm thực thông qua việc thiết kế bản đồ ẩm thực giấy, nghiên cứu kế hoạch triển khai bản đồ ẩm thực số hóa, đổi mới và sáng tạo các video clip về ẩm thực Đà Nẵng.
Nhằm định vị Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch ẩm thực đặc sắc, chất lượng cao, có thương hiệu nổi bật của Việt Nam và khu vực, nơi hội tụ ẩm thực truyền thống địa phương, các vùng miền và quốc tế, UBND thành phố ban hành kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 24/5/2023 về phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030.
Theo đó, đối với thị trường nội địa, kế hoạch định hướng tập trung khai thác khách từ các địa phương trong cả nước, tăng lượng khách chi tiêu cao từ các thị trường có đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long; đối với thị trường quốc tế, tập trung thu hút các phân khúc khách có khả năng chi tiêu cao (khách du lịch giải trí, MICE, Golf, nghỉ dưỡng, du lịch cưới…) từ các thị trường khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, từng bước mở rộng khai thác các thị trường mới, tiềm năng Tây Âu, Nga, Úc, Newzealand, Ấn Độ, Mỹ. Đồng thời định hướng phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực Đà Nẵng theo 03 nhóm: ẩm thực địa phương, ẩm thực vùng miền, ẩm thực quốc tế và mỗi nhóm theo 03 phân phúc: sản phẩm du lịch ẩm thực cao cấp; sản phẩm du lịch ẩm thực đường phố (bình dân) gắn với giá trị truyền thông, nông nghiệp nông thôn và nguồn tài nguyên sản vật địa phương../.
Lê Ni