Chuyện ít biết về khu rừng cấm ở Nam Ô

0 1.508

Theo dã sử làng Nam Ô (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), khu rừng ở đây được gọi là rừng cấm. Đây là nơi trú ẩn cuối cùng của Huyền Trân Công chúa trong cuộc đào thoát khỏi Chiêm Thành vào đầu thế kỷ thứ XIV. Huyền Trân Công chúa đã lên thuyền lớn để trở về Đại Việt. Tại nơi trú ẩn ấy, người làng Nam Ô dựng một ngôi miếu, gọi là Miếu vọng Huyền Trân. Nay miếu thiêng chỉ còn là phế tích.

Trước năm 2005, khi hầm đường bộ Hải Vân và đường tránh qua thành phố Đà Nẵng chưa được xây dựng. Trên đường Bắc – Nam, khi đổ đèo Hải Vân xuôi về phía nam, người đi đường sẽ thấy một khu rừng đua ra phía biển, nhìn góc này như con phụng hoàng, nhìn góc kia thì như con rùa triệu năm tuổi… Đó là “rú cấm” Nam Ô. Cụm từ “rú cấm” xuất hiện rất nhiều ở các tỉnh miền Trung để chỉ các khu rừng, nhưng có lẽ chỉ có “rú cấm” ở Nam Ô (Đà Nẵng) là có những câu chuyện huyền bí, mang màu sắc của cả rừng thiêng lẫn biển cả, như chính vị trí địa lý đặc biệt của nó.

Nhà nghiên cứu Đặng Dùng bên cạnh phế tích “miếu vọng Huyền Trân công chúa”

Có nhiều cách gọi về khu rừng này. Vì khu rừng mọc trên một mỏm đá cao, nên người xưa cũng gọi là núi. Núi Cu Đê là một tên gọi của khu rừng, được gọi theo tên làng cổ và cũng là dòng sông chảy qua khu vực. Một tên gọi khác là núi Hoa Ổ theo tên làng ở đây, nhưng sau phải gọi chệch thành Hóa Ổ để tránh “phạm” vào tên Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Hoa, mẹ vua Thiệu Trị.

Cũng có những tên được gọi theo dáng hình mà người đời tưởng tượng ra. Nếu với góc nhìn từ trên cao, cụ thể là từ đèo Hải Vân nhìn xuống, khu rừng này giống như một con chim lớn tung cánh trên bãi cát vàng đang nhoài mình ra biển. Vì thế người đời cũng gọi rừng cấm Nam Ô là hòn Phụng. Những cụ tiên chỉ trong làng lại gọi khu rừng, ghềnh đá này là mũi Hạc, bởi theo các cụ, dáng hình nó giống con hạc đang vục mỏ trong sóng biển. Rất nhiều tên gọi được gắn vào khu rừng này, như một màn sương huyễn hoặc, đầy thú vị như chính những sản vật hay câu chuyện thuộc về vùng đất này.

Những thân cây lớn ở trong khu rừng cấm

Chỉ duy nhất một việc được sử dụng gỗ trong khu rừng này, đó là dùng gỗ vào việc cải tạo, xây dựng đình miếu trong làng. Chính vì thế đến nay khu rừng này vẫn còn giữ được những cây lớn, một điều hiếm thấy ở những khu rừng sát khu dân cư như ở đây.

Để kiểm chứng điều này, chúng tôi nhờ nhà nghiên cứu Đặng Dùng đưa vào khu rừng cấm Nam Ô. Ông là người sinh ra ở làng Nam Ô, cũng nổi tiếng là người biết nhiều câu chuyện hay, độc và hiếm về vùng đất này. Đà Nẵng tháng 6, trời nắng như ném lửa xuống đất. Để vào được khu rừng cấm, phải đi ven bãi cát, len lách qua những thuyền, những thúng, lưới và ngư cụ của ngư dân nơi đây. Nắng gắt chiếu xuống cát, dội lại mặt bỏng rát. Ấy vậy mà khi vào đến khu rừng, mọi cảm giác nóng bức tan biến, những tia nắng hiếm hoi xuyên từ tầng lá này qua tầng lá kia, soi thẳng xuống chân người đi rừng, lớp lá mục và những gốc cây đổ bám chặt rêu xanh.

Khu rừng cấm Nam Ô ở ven biển, ngay cạnh những ghềnh đá

Trừ các con đường mòn, lớp lá mục ở khu rừng này khá dày, cũng phải ngập đến ngang bàn chân khi bước vào. Nhìn ngang ngó dọc, thấy trong khu rừng này chủ yếu là các cây bụi, mây, song, thỉnh thoảng mới có vài cây bàng, cây đa vượt cao hơn hết. Tuyệt nhiên không có cây gỗ quý nào. Ông Đặng Dùng bảo, “rừng ở đây chủ yếu là những loại cây phổ biến”. Nhưng tôi nghĩ, không hẳn vì thế mà khu rừng này còn nguyên vẹn, mà do người dân nơi đây thực hiện các quy chế về giữ rừng trong hương ước làng rất tốt. Điều đó thể hiện các thiết chế văn hóa truyền thống ở nơi đây vẫn còn có sự liên kết chặt chẽ với cuộc sống. Và các thế hệ sau vẫn nối tiếp những truyền thống ấy.

Rừng cấm Nam Ô không nhiều cây lớn, nhưng do giữ gìn tốt nên các tán cây lâu năm ken đặc vào nhau, đi dưới khu rừng này, tựa hồ như đi dưới một khu rừng nguyên sinh. Phía ngoài khu rừng, sóng biển vỗ ì oạp vào những ghềnh đá. Thỉnh thoảng, từ những bụi rậm, những con gà rừng, con cuốc bay vụt qua những tán cây khi thoáng thấy bóng người. Phía trên cao, tiếng ve râm ran dội xuống. Nhà nghiên cứu Đặng Dùng bảo, ve ở đây gọi là ve bầu và không hiểu vì sao, con ve ở khu rừng này to gấp hai đến ba lần bình thường. Mà tuyệt nhiên chỉ thấy trong khu rừng này, những khu rừng lân cận không hề thấy loài ve này, dù chỉ cách nhau ba, bốn cây số.

Theo người làng Nam Ô, sở dĩ gọi là “rú cấm” bởi theo phong tục thì người dân bị cấm chặt cây, dẫu là một cành củi nhỏ trong khu rừng này. Không ai biết quy định này có từ khi nào, nhưng từ nhiều đời, quy định đó được tuân thủ nghiêm ngặt, đến tận giờ vẫn vậy. Đã có nhiều câu chuyện kể về việc này.

Theo lịch sử làng Nam Ô, nhiều vị lão làng đã đột tử sau khi cho phép chặt cây rừng, dù ít hay nhiều. Đã từng có những nhóm người vào rừng chặt cây, thế rồi, không lâu sau đó đều gặp nạn.

Ông Dùng kể tiếp, thời Nguyễn, con ve ở khu rừng cấm này được dùng làm món ăn tiến vua. Con ve non được người dân bắt và cung tiến cho đầu bếp cung đình làm thành món “chá thiền tử” (nghĩa là con ve non) cho vua ngự thiện. Đọc “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, thấy có ghi: “Núi Cu Đê ở phía bắc huyện, cách cửa biển Cu Đê về phía tây khoảng một dặm, ở phía bờ bắc sông Cu Đê. Giữa bãi cát đột ngột nổi lên một hòn núi, cỏ cây rậm rạp, có nhiều con ve, người nơi đó bắt, ăn rất ngon”. Nghĩa là câu chuyện về món ăn “chá thiền tử” tiến vua có thể có thật, khi chính Đại Nam nhất thống chí đã miêu tả là “ăn vị rất ngon”.

Càng đi sâu vào trong khu rừng, càng râm mát. Đường mòn trong rừng quanh co nhiều lối rẽ, nhưng khi đi đến phía nam rừng, sẽ thấy hai phế tích rêu xanh phủ kín còn nằm lại dưới những tán cây. Nằm sâu phía trong là miếu bà “Chúa Tiên thần nữ”, tương truyền là vị nữ thần bảo hộ dân làng từ thời các chúa Nguyễn thế kỷ XVI, XVII. Còn phía ngoài là miếu vọng công chúa Huyền Trân được dựng từ vài trăm năm trước.

Theo dã sử làng Nam Ô, Huyền Trân Công chúa về làm vợ vua Chiêm Thành hơn một năm thì vua chết. Lo sợ Huyền Trân Công chúa sẽ phải hỏa thiêu theo chồng bởi tập tục người của Chiêm Thành. Vua Trần Anh Tông mới sai Nhập nội hành khiển Thượng thu tả bộc Trần Khắc Chung và An phủ sứ Đặng Vân cùng quân lính vào kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành (vùng Bình Định ngày nay) cứu Công chúa Huyền Trân. Quan quân nhà Trần khi đến Đồ Bàn thì vào viếng vua Chế Mân và nói với người Chiêm Thành rằng, ra bờ biển làm đàn cho Huyền Trân Công chúa bái vọng quê hương, rồi sau đó lên giàn hỏa thiêu cũng chưa muộn. Khi ra đến bờ biển thì đưa Huyền Trân Công chúa lên trốn khỏi Đồ Bàn. Chiêm Thành thấy hoàng hậu của mình bị cướp, cho quân tướng đuổi theo. Nhiều cuộc giao tranh đã xảy ra trên đường. Khi đến vùng Nam Ô, một viên tùy tướng và nhiều binh lính đã ở lại chặn đường quân Chiêm Thành để Huyền Trân Công chúa lên thuyền về lại Đại Việt. Tương truyền, khu rừng cấm Nam Ô chính là nơi dừng chân, trú ngụ cuối cùng của Huyền Trân Công chúa trước.

Đến nay, ở sát bờ biển vẫn còn một ngôi mộ mà người làng Nam Ô tin rằng đó là mộ của một tùy tướng nhà Trần hy sinh khi ở lại chặn đường quân Chiêm Thành. Còn tướng Trần Khắc Chung được người làng Nam Ô xem như là tiền hiền của làng mình với tên gọi “Tiền hiền Triệu Cơ chư tiên linh thần vị”. Ở miền Trung, danh xưng “tiền hiền” dùng để chỉ những người có công khai khẩn, quy tụ dân chúng để lập làng, lập ấp. Vị tướng này tuy không có công khai khẩn, nhưng tài đức của ông được nhớ đến và lập đền thờ.

Ở những ghềnh đá ven khu rừng cấm Nam Ô còn có một thứ tảo khá độc đáo mà người nơi đây gọi là “mứt” hoặc tóc tiên. Còn những người chữ nghĩa ở làng thì gọi với cái tên “huyền tảo”, nghĩa là tảo đen. Những người đi làm nghề lấy tảo này, dân làng Nam Ô gọi là nghề “ăn mứt”. Trong dã sử của làng cũng nói đến nguồn gốc của tên gọi cũng như sự xuất hiện của thứ tảo đen độc đáo này.

Người già Nam Ô kể rằng, vào thời xa xưa cư dân làng Nam Ô chỉ biết độc một nghề chài lưới, quanh năm suốt tháng ở ngoài biển khơi và không biết trồng lúa. Để có cơm ăn, họ trao đổi con tôm, con cá với những người nông dân. Nhưng đến ngày giáp hạt, nông dân ở những vùng lân cận không có thóc gạo để đổi. Thêm vào đó là đến tháng 9 âm lịch, biển động không thể ra khơi. Không gạo, không cá, cả làng cứ đến khoảng thời gian đó là đói ăn, đứt bữa.

Khi ấy, trong làng có ông Câu, nhà nghèo lại đông con nên phải chạy ăn từng bữa. Một hôm, ông Câu đem cần câu ra ghềnh đá để câu cá về nấu cháo cho con. Chưa câu được con cá nào thì ông đã lả đi vì đói. Rồi ông chìm vào một giấc mơ kỳ lạ, ông mơ thấy một bà tiên tóc đen huyền bay lướt qua. Ông Câu quờ tay trúng mái tóc, thấy mềm mịn, cho lên miệng ăn thử thì thấy ngon vô cùng. Ông cứ ăn mãi, ăn mãi mà không biết chán. Bỗng có một cơn sóng đánh ụp vào người, ông choàng tỉnh, trên tay vẫn đang cầm một nắm tảo đen. Ông câu nghĩ rằng tiên hiện xuống cứu đói dân làng, ông liền đem nắm tảo đen ấy về làng và nói mọi người ra ghềnh đá lấy về ăn chống đói. Tên gọi “tóc tiên” của tảo đen Nam Ô bắt nguồn từ đó.

Mùa ăn mứt rơi vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 12 (âm lịch), khi những cơn gió lạnh từ phía Bắc tràn về. Khi ấy, thứ “huyền tảo” độc đáo kia sẽ xuất hiện ở những ghềnh đá ì oạp sóng. Người dân Nam Ô sẽ chuẩn bị đồ nghề đi lấy chúng. Bộ đồ nghề ăn mứt gồm một miếng tôn cắt hình tròn, đường kính khoảng 8cm, một vợt và một bao.

Hai giờ sáng, những người ăn mứt sẽ bắt đầu công việc của mình, vì khi ấy thủy triều vùng này hạ, những ghềnh đá đầy mứt sẽ hiện ra. Họ luôn mặc áo mưa để tránh sóng dữ làm ướt người và nhiễm lạnh. Mứt biển Nam Ô khác hẳn với rong biển. Rong biển thì dài và sống dưới nước, còn mứt Nam Ô lại bám vào ghềnh đá. Mứt có hai loại, loại to bản bè ra gọi là mứt lá, loại sợi dài thì gọi là mứt tóc. Mứt lá có giá trị kinh tế cao hơn. Mứt Nam Ô ăn mát, vị thanh, tốt cho tiêu hóa, người dùng rất ưa chuộng.

Đêm tối. Sóng đánh ì oạp. Lần mò dưới ánh trăng, từng tốp năm, bảy người di chuyển trên các ghềnh đá thoăn thoắt như đi trên bộ. Đi ăn mứt theo nhóm như này, người Nam Ô gọi là đi ăn mứt bộ. Còn đi ăn mứt ghe thì hơn chục người, đi trên một chiếc ghe đến những vùng xa. Dù là hình thức nào thì đi ăn mứt cũng là một nghề vất vả và đầy hiểm nguy.

Mùa ăn mứt là mùa biển động, thân người như những dấu hỏi, cong người cúi rạp xuống những tảng đá cạo mứt đang bám chặt. Thỉnh thoảng, những con sóng lừng gặp đá, đánh những cột nước cao cả hai mét, trùm lên những thân người mang hình dấu hỏi ấy. Người nào trụ vững thì không ngã, còn những người này đứng chênh vênh thì ngã dúi dụi vào những ghềnh đá. Những người làng Nam Ô đi ăn mứt, bị ngã gãy chân, tay; hà cứa đến bật máu đếm không xuể. Cứ vậy, họ chống chọi với sóng biển, với cái lạnh tê người khi bi ngấm nước để lấy được thứ huyền tảo độc đáo kia. Đến khi mặt trời lên cao, thủy triều dâng lên thì họ bắt đầu về, kết thúc một buổi lao động muôn vàn mệt nhọc và nguy hiểm.

Làng Nam Ô là một ngôi làng cổ, có truyền thống lâu đời. Và phải nói là có nhiều thứ rất độc đáo, huyền bí như chính khu rừng cấm đã bao năm che chở cho ngôi làng này. Nghe đâu có một dự án du lịch đã được phê duyệt tại đây, sẽ lấy hết đất làng này và cả khu rừng cấm kia nữa. “Những giá trị văn hóa, những điều độc đáo ở đây sẽ chỉ còn là quá khứ. Những người già Nam Ô buồn lắm, con cháu đời sau sẽ đứt gốc mất thôi”, ông Đặng Dùng nói, giọng buồn bã. Đôi mắt nhìn đăm đăm về phía khu rừng.

Độc đáo nghề làm mắm

Nghề làm nước mắm là một trong những nghề thủ công lâu đời

Làng Nam Ô nằm ở cửa sông Cu Đê, thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Đây được coi như cửa ngõ vào thành phố này, được đánh giá là một nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo. Ngoài khu rừng cấm, ngoài thứ huyền tảo độc đáo, mát lành, làng Nam Ô còn nổi tiếng bởi pháo và nước mắm. Trước khi có lệnh cấm đốt pháo, làng Nam Ô là nơi sản xuất pháo nổi tiếng ở miền Trung, giống như làng Bình Đà (Thanh Oai, Hà Nội) ở miền Bắc. Pháo Nam Ô có tiếng nổ đanh, lớn. Ông tổ nghề pháo ở làng Nam Ô có tên là Ngô Mai, người gốc Quảng Ngãi

Tương truyền khi vua Bảo Đại cưới Nam Phương Hoàng hậu, cụ Cửu Mai được triệu ra kinh thành để dựng dàn pháo đốt trong dịp lễ. Dàn pháo ấy nổ vang, gây phấn khích cho vua và quan quân trong triều, ai cũng ngợi khen tài. Vua trọng thưởng cho ông hàng Cửu phẩm, vì thế, ông còn được gọi là cụ Cửu Mai.

Nam Ô cũng nổi tiếng về nước mắm. Nước mắm nơi đây chỉ dùng nguyên liệu cá cơm than đánh bắt vào tháng 3 (âm lịch). Cá cơm than được lựa chọn kỹ, là loại cá tươi, không to quá hoặc nhỏ quá. Khi muối, không cần rửa lại, vì trước khi lên bờ, cá đã được rửa bằng nước biển. Nếu rửa bằng nước ngọt sẽ làm cá mất ngon, để lâu sẽ bị thối. Những thùng, chum, vại muối phải làm bằng gỗ bằng lăng hoặc gỗ mít, mới đúng cách.

Khi trộn cá, người ta phải chú ý sao cho cá thấm muối thật đều, không bị nát, xếp từ từ từng lượt vào chum vại, đựng cá muối. Phía trên cùng đặt một lần vỉ đan bằng tre, hoặc mo cau khô gài lại. Sau đó đậy nắp thật kín, đưa vào phòng tối, khô ráo, sạch sẽ, kín gió, giữ nhiệt độ vừa phải, khoảng sáu, bảy tháng trộn cá muối lại. Khi nào lớp vỉ chèn xuất hiện lớp men màu trắng thì tháo vỉ, vớt lớp men ấy ra.

Cá muối vào tháng ba, gần Tết âm lịch bắt đầu lọc mắm, nhẹ tay lấy vỉ chèn ra, trộn đều mắm và dùng vải mịn để lọc mắm. Nước mắm chảy từ từ, có màu đỏ sậm như màu cánh gián, mùi thơm tỏa ra đầy hấp dẫn. Đến bây giờ, nghề làm mắm Nam Ô mới được khôi phục lại, nhưng theo các cụ cao niên thì vẫn không được ngon như trước.

Trích nguồn: http://petrotimes.vn/

 

You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2023
close-link
​​​