Ẩm thực Đà Nẵng và Hội An qua bộ tranh siêu dễ thương!
Gọi Đà Nẵng và Hội An là “thiên đường ẩm thực” thật không sai. Từ các món ăn vặt, ăn xế, cho đến các món ăn no… có vô vàn lựa chọn cho thực khách … Sử dụng những nét vẽ nghệ thuật, thời gian gần đây, mạng xã hội Facebook đang chuyền tay nhau hình ảnh về các món ăn, thức uống quê hương được truyền tải theo cách vô cùng mới lạ từ facebook “Miền Trung”.
Miền Trung Thực – Chương I: Gồm có 150 bức vẽ được thực hiện bởi 45 họa sĩ minh họa và 2 thiết kế đồ họa. Nhóm tổ chức dự án gồm có 6 thành viên trong đó có 3 thành viên phụ trách liên hệ họa sĩ, 1 thành viên đại diện nhóm tham gia Chương I, 1 thiết kế đồ họa và trưởng nhóm.
Các họa sĩ tham gia dự án đều có gốc là người miền Trung. Họa sĩ xuất thân từ tỉnh thành nào sẽ minh họa món ăn của tỉnh thành ấy, trừ trường hợp Hội An.
Các món ẩm thực được chọn lựa đưa vào dự trên 2 tiêu chí: Đặc sản hoặc là đặc biệt phổ biến ở vùng đất ấy. Các họa sĩ có thể lựa chọn chỉ vẽ món ăn thuần túy hoặc vẽ món ăn có sự kết hợp với 2 yếu tố định danh vùng đất phát xuất món ăn.
Hãy cùng Danang FantastiCity điểm qua những tác phẩm về ẩm thực Đà Nẵng và Hội An trong Dự án Thực này nhé!
Tác giả My Trần chia sẻ: “Mình luôn có tình cảm đặc biệt với nơi mình sinh ra và lớn lên: Đà Nẵng, vùng đất được thiên nhiên ưu ái bên cạnh những con người thật thà. Những món ngon mình chọn đồng hành trong Dự án là những món gắn liền với tuổi thơ từ bé, có thể gọi là vị tuổi thơ. Khi vẽ mình cũng bối rối, không biết nên chọn hình ảnh địa danh nào nhưng cuối cùng mình đã đưa vào bạn Voọc, nữ hoàng linh trưởng đại diện cho Đà Nẵng. Dự án này thực sự khiến mình rất vui. Vui vì được vẽ về thành phố mình yêu thương nhất.”
BÁNH TRÁNG KẸP là món ăn vặt phổ biến của giới trẻ Đà Nẵng. Bánh tráng kẹp thường có hai loại là bánh tráng paté và bánh tráng trứng.
- Địa chỉ: Dì Hoa | 62/2A Núi thành
- Dì Hoàng, Kho Đạn
Ram cuốn Cải là cách phối món Ram đặc trưng của dân xứ Đà. Khi ăn, khách dùng bánh tráng cuốn lấy cải rồi đến Ram cùng đu đủ ngâm và dưa leo bên trong.
- Địa chỉ: Quán Đào Duy Từ | 14/22 Đào Duy Từ (11h00 – 17h00)
Bánh tráng cuốn Thịt heo hai đầu da là món cuốn đặc trưng của người Đà Nẵng. Món ăn là sự kết hợp từ bánh tráng phơi sương, thịt heo phần mông đùi sau, rau sống và nước chấm mắm nêm.
- Địa chỉ: Bà Hường | 35/2 Hàm Nghi
- Quán Trần, Mậu, Bà Mua…
Yaourt Muối là nét riêng trong cách dùng yaourt của dân Đà thành. Khách sẽ chấm một ít muối để riêng kết hợp cùng với miếng yaourt truyền thống.
- Địa chỉ: Đường Bùi Thị Xuân, dưới chân cầu Trần Thị Lý
Tác giả Phan Phan chia sẻ: “Lúc nhận được lời mời tham gia Dự án mình đã đi ăn lại các món đó cho thấm được hương vị và tìm ý tưởng. Nhớ tô bún xương nghi ngút khói của ngoại. Ngoại có bỏ sả vô thơm chi mà thơm, bữa mô trời mưa là ngoại hay nấu nồi nước xương thơm sả, chan vô bún ngon chi lạ. Nhắc tới cũng thèm nữa, chắc phải nài ngoại nấu bún xương cho ăn đều đều”
Bún Xương là cái tên ngỡ như bình thường nhưng lại là món ăn đặc biệt của riêng Đà Nẵng. Món bún có nước lèo được nấu từ xương hầm, để vào thêm chả quết, dùng kèm với bánh quẩy và trứng gà.
- Địa chỉ: 88 | 89 Trần Phú
- 233 Trưng Nữ Vương
Cháo Chả Bò là món ăn phát triển trong những năm gần đây ở Đà Nẵng. Hồn cốt của món ăn nằm ở Chả Bò thay vì cháo. Chả Bò cũng là món chả đặc sản đất Đà thành.
- Địa chỉ: Cháo Bà Đề, 81 Hải Phòng
Bún Chả Cá có lẽ là món ăn được du khách biết đến nhiều nhất khi nhắc về ẩm thực Đà Nẵng. Bún Chả Cá gồm có chả cá chiên, chả tôm chiên, riêu cua, bắp cải, măng khô và bí đỏ.
- Địa chỉ: Bà Phiến (Bà Thừa), 63 Lê Hồng Phong
Bánh khô Mè là món bánh ngọt đặc sản của người Đà Nẵng. Bánh được làm từ bột gạo, áo nước đường rồi tẩm hạt mè bên ngoài.
- Địa chỉ: Bà Liễu Mẹ, 200/1 Ông Ích Khiêm, Làng Cẩm Lệ
Tác giả Huong Red Bun (Đại diện từ Đông Nam Bộ vẽ về thành phố Hội An): “Mình rất vui vì được tham gia vẽ Miền Trung Thực, một dự án rất ý nghĩa. Mình chỉ gặp vấn đề về tư liệu nhưng may mắn đã có Nhóm Tổ Chức giúp đỡ nên việc của mình thuận lợi hơn. Mình chưa vẽ món ăn kết hợp với địa danh bao giờ nên đây cũng là một dịp để khám phá những thứ mới mẻ. Cảm ơn Miền Trung Thực đã cho mình cơ hội này.”
Cao lầu là món ăn đặc sản Hội An. Món trộn được kết hợp giữa sợi bánh vừa dai vừa sừn sựt đặc trưng của riêng phố Hội cùng những lát thịt xíu, cao lầu chiên và rau sống. Dân gian giải thích rằng ngày xưa đây là món của người giàu chỉ ngồi ăn trên lầu cao nên gọi là cao lầu.
- Địa chỉ: Cao lầu Liên | Thái Phiên (mở từ 16:00)
- Cao lầu Thanh (Sáng), Trung Bắc, Vạn Lộc,..
Nước Chanh là loại hình nước giải khát đặc trưng ở phố Hội sông Hoài. Dù sáng, trưa hay tối du khách đều có thể nghe tiếng rao của các cô đạp xe bán nước dạo trên khắp Hội An.
Thịt nướng kẹp que tre là món nướng phổ biến nơi phố Hội sông Hoài. Que tre được tách đôi một đầu, thịt ướp ngũ vị hương để vào giữa rồi dùng lá dong buộc lại. Thịt nướng chín lại rắc thêm ít mè, có thể dùng với bánh ướt, bánh tráng hoặc ăn vã (chỉ dùng riêng thức ăn).
- Địa chỉ: Chị Sương | Công viên Kazik hoặc điểm hô Bài Chòi (Trưa)
- Chị Một (Chiều), Cuối đường Nguyễn Hoàng (Tối),..
Hoành thánh chiên là món thường dùng với Bánh Bông Hồng trắng. Hoành thánh chiên Hội An không bọc lại mà để thành miếng, hình quạt tròn. Nhưn (nhân) bánh là tôm cùng sốt chua ngọt nấu từ cà chua và khóm.
- Địa chỉ: Lò Bánh Bao – Bánh Vạc Bông Hồng trắng | 533 Hai Bà Trưng
Tác giả C3NMT (Đại diện từ Đông Nam Bộ vẽ về thành phố Hội An): “Mình vẽ bộ tranh trong thời kì đen tối nhất của artist, gọi là artblock. Công việc ở công ty và freelance dồn dập buộc mình chỉ cắm mặt vẽ những thứ mình không thích và chúng không đạt được thành công. Mình rơi vào suy nghĩ “Liệu mình có thật sự thích vẽ?” và mình thật sự có tư tưởng muốn từ bỏ việc vẽ vời.
Nhưng rồi mình ngưng mọi việc freelancce và nhận làm bộ tranh này. Khi vẽ, mình đã liên tục nghĩ trong dầu “Vẽ là để xả stress”, “Hãy vẽ theo cách mình giỏi và mình thích”. Cứ thế bộ tranh ra đời.
Sau bộ tranh, mình sẽ bắt đầu xây dựng lại Gallery Artwork riêng. Vẽ và sống cho mình sau một thời gian vất vả chỉ vẽ để làm hài lòng người khác.
Bánh Khoai là món bánh nướng trực tiếp trên khắp các nẻo đường Phố Hội. Bánh Khoai đặc trưng ở mùi mật khoai thơm lừng, cắn vào khoai có vị dẻo và ngọt dịu.
- Địa chỉ: Phố cổ Hội An (Chiều và tối)
Bánh Bông Hồng trắng là cách gọi chung bộ đôi bánh bao và bánh vạc của người Hội An. Cả hai đều có vỏ bánh mỏng bọc lấy nhân thịt heo (bánh bao) hoặc nhân tôm (bánh vạc). “Bông hồng trắng” được cho là cách một người phương Tây ngẫu hứng đặt cho món ăn khi nhìn vào dĩa bánh.
- Địa chỉ: Lò Bánh Bao – Bánh Vạc Bông Hồng trắng | 533 Hai Bà Trưng
Nước Thảo mộc là nét văn hóa đương đại ở Hội An. Nước Thảo mộc thường nấu từ các loại thảo mộc và thuốc bắc. Từ khi một hộ gia đình bắt đầu kinh doanh món này, nước thảo mộc gần như trở thành thứ nước giải nhiệt chính ở Phố Cổ.
- Địa chỉ: Mót Hội An | 150 Trần Phú
Cơm gà rô-ti là nét chấm phá trong cascnh dùng cơm gà ở Hội An. Gà ở đây thường là đùi gà chứ không để gà xé. Cách biến tấu cơm gà này phổ biển với người bản địa hơn là khách du lịch.
- Địa chỉ: Ngã ba Hai Bà Trưng – Bà Triệu
Stung (Đại diện từ miền Bắc vẽ về thành phố Hội An)
Bánh đập Hến xào là cách phối rất riêng món bánh đập của người Hội An. Bánh đập, còn gọi là bánh rập, phát xuất từ Quảng Ngãi với cách dùng cơ bản là chấm với mắm nêm. Món này được dân phố Hội phối ăn kèm với với hến xào, vẫn dùng mắm nêm.
- Địa chỉ: Bà Già | Thôn 1, Cẩm Nam
Bánh Yến Tơ là món kẹo chỉ miền Nam. Ngày trước ở Hội An có ông cụ người Hoa làm bánh Yến Tơ. Kẹo chỉ quết ra nhìn giống sợi tơ (nước bọt) của chim yến nên được gọi là Yến Tơ. Lúc đó có hai anh em một nam một nữ yêu thích món bánh này của ông cụ nên khi lớn lên hai người quyết định làm lại hương vị món bánh này để giữ nghề cho ông. Người em gái vẫn giữ nguyên tên gọi Bánh Yến Tơ để giữ lại một chút xưa cũ của Hội An. Người anh trai lấy tên mới cho bánh là Bánh Kyến Tơ với lời giải thích: Kyến có nghĩa là chứng kiến, chứng kiến quá trình tạo ra sợi tơ từ một thanh kẹo to dày.
- Địa chỉ: Người Em | Hai Bà Trưng – Phan Châu Trinh
- Người Anh | Quảng trường sông Hoài
Xôi đường bán ở nhiều nơi trên khắp xứ Quảng nhưng người địa phương thường bảo ở Hội An mới nấu nhiều món này. Xôi đường là xôi nếp nấu với đậu đen và đường bát. Mỗi miếng xôi có hình vuông màu tối thẫm của đậu, điểm lên màu trắng của mè.
Bánh Xoài không làm từ xoài. Bánh Xoài có dáng giống quả xoài nhỏ, tương tự bánh ít trần nhưng lấy đậu phụng làm nhưn, bên ngoài áo lên lớp bột nếp.
- Địa chỉ: Bà Già | Thôn 1, Cẩm Nam
Tác giả Timon Art (Đại diện từ miền Bắc vẽ về thành phố Hội An): “Kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình với dự án có lẽ là việc xém trễ deadline. Khi nhận đề tài mình rất phấn khích vì tuần đầu tháng 12 mình có một chuyến đi Hội An. Mình nghĩ sẽ tận dụng cơ hội này để: Vừa ăn – Vừa vẽ. Cơ mà mọi chuyện không như mình dự tính. Trong suốt thời gian ở Hội An, mình đã ăn rất nhiều và di chuyển cũng rất nhiều. Ngày nào mình cũng nhủ là tối về khách sạn ngồi vẽ thế mà rồi về đến khách sạn là mình quên luôn và… đi ngủ”.
- Địa chỉ: Liên | Kiệt 26 Thái Phiên (Sáng)
- Ông Phụng, 3A Trần Quốc Toản,..
- Địa chỉ: Hương | Kiệt 56 Lê Lợi (Từ 18:00); Cô Dung, Anh Xí,..
Chè Bắp là món chè ngọt đặc trưng ở Hội An. Chè Bắp Phố Cổ không quá khác biệt so với các nơi khác, vẫn là vị chè dịu và thanh của người miền Trung nhưng do Hội An có cồn bắp Cẩm Nam đã làm cho thành phố này trở nên nổi bật với món này.
Phở Hội An là điểm nhấn trong bản đồ phở Việt Nam. Phở Hội An đặc trưng ở sợi phở khô, nước phở thanh và lớp phủ đậu phụng (phộng) giã nhuyễn. Phở phố Hội thường nhâm nhi cùng đu đủ ngâm, gần đây có quán lại giới thiệu thêm bánh mì quết chả đi kèm.
- Địa chỉ: Phở Liến | 25 Lê Lợi (Trước 17:00);Đồng Liến, Tiến, Tùng,…