Bảo tàng Đà Nẵng

0 20.789

Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay tọa lạc trong khuôn viên Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt thành Điện Hải, được khởi công xây dựng từ năm 2005 và đưa vào hoạt động đón khách tham quan từ năm 2011.

Bảo tàng Đà Nẵng

  • Địa chỉ: 24 Trần Phú, Quận Hải Châu, T.P Đà Nẵng
  • Giá: 20.000 VNĐ

Thời gian mở cửa:

  • Giờ mở cửa (các ngày trong tuần):  8h00 – 17h00

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG

Về thành Điện Hải

Thành Điện Hải, một di tích lịch sử quan trọng của thành phố Đà Nẵng và là kiến trúc quân sự thời Nguyễn còn lại khá nguyên vẹn ở Đà Nẵng hiện nay. Thành từng là tiền đồn chống xâm lược ngay từ buổi đầu thực dân Pháp đặt chân lên mảnh đất này.

Đà Nẵng cách kinh đô Huế chỉ 100 km, có cảng nước sâu, tàu thuyền nước ngoài thường vào ra, thực dân phương Tây luôn dòm ngó. Với ý thức bảo vệ kinh đô Huế và bảo vệ chủ quyền quốc gia, các vua nhà Nguyễn cho xây nhiều công trình phòng thủ ở Đà Nẵng.

Năm 1813, vua Gia Long cho đắp đài Điện Hải. Ban đầu, đài Điện Hải được xây dựng bằng đất nằm ở gần bờ biển vì thế hằng năm thường bị nước biển xói mòn và ngày càng sụt lở cho dù đã được gia cố bằng việc đóng cọc xây đá. Chính vì vậy, vào năm 1823, vua Minh Mạng cho xây lại về phía Nam cách vị trí cũ khoảng 200m, trên một khu đất cao rộng để tránh sự xâm thực của biển – tức là nơi chúng ta đang đứng hôm nay.

Năm 1834, đài Điện Hải được đổi tên là thành Điện Hải và vào năm 1847, thành được vua Thiệu Trị cho xây dựng lại kiên cố hơn theo kiểu kiến trúc Vauban của phương Tây. Thành có dạng hình vuông với 4 góc lồi. Xung quanh thành là hệ thống hào rộng và sâu, có cầu bắc qua để ra vào.

Thành có 2 cổng ở phía Đông và phía Nam với chu vi là 556m, có tường cao hơn 5m, các hào sâu hơn 3m. Thành có hai lớp tường cách nhau bởi các con hào và thành ngoài cao hơn thành trong, bốn bức tường tạo nên thành không thẳng mà hơi lõm vào giữa làm cho bốn góc lồi hơi nhô ra.

Trong thành có xây hành cung, kỳ đài, các nhà bằng gỗ lợp ngói cho tướng lĩnh và binh sĩ, ngoài ra thì còn có kho vũ khí, kho lương thực, xưởng đúc và sửa chữa súng thần công. Đặc biệt, thành còn được trang bị khoảng 30 ụ súng thần công.

Tranh vẽ quang cảnh bên trong đồn Điện Hải khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha chiếm đóng sáng 1/9/1858. Ảnh: Tư Liệu.

Thành Điện Hải là một pháo đài kiên cố để trấn giữ Đà Nẵng. Trong cuộc chiến chống Liên quân Pháp – Tây Ban Nha (1858-1860), thành Điện Hải cùng với sự chiến đấu anh dũng quân dân Đà Nẵng nói riêng, quân dân cả nước nói chung, đã góp phần làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của quân viễn chinh xâm lược.

Về Bảo tàng Đà Nẵng

Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay tọa lạc trong khuôn viên Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt thành Điện Hải, được khởi công xây dựng từ năm 2005 và đưa vào hoạt động đón khách tham quan từ năm 2011.

Không gian trưng bày của Bảo tàng gồm 3 tầng:

  • Tầng I: Giới thiệu tổng quan về các yếu tố tự nhiên, văn hóa, xã hội của Đà Nẵng
  • Tầng II: Trưng bày về lịch sử đấu tranh cách mạng của quân dân Đà Nẵng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và chuyên đề chứng tích chiến tranh của lính Mỹ ở Đà Nẵng và vùng phụ cận.
  • Tầng III: Về đặc trưng văn hóa dân tộc ở Đà Nẵng – Quảng Nam

Virtual Bao Tang Da Nang Vr360

– Giá vé: 20.000 đồng/lần/người (kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2015).

  • Tel: 0236.3886 236 – 0236.3898 495
  • Email: btdn@danang.gov.vn
  • Website: baotangdanang.vn

– Miễn phí:

  • Trẻ em, học sinh, sinh viên;
  • Công dân thường trú tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam;
  • Người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên theo Luật người cao tuổi;
  • Người khuyết tật theo quy định của Luật người khuyết tật;
  • Đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi thụ hưởng văn hóa quy định tại Điều 2, Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng chính phủ về “Chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa”;

HIỆN VẬT TRƯNG BÀY TẠI BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG

Tầng 1

a) Gian khánh tiết

Gian khánh tiết được thiết kế theo hình vòng cung, lấy ý tưởng từ thế đất Đà Nẵng như một vòng tay lớn ôm lấy biển khơi. Mảng đai vách chính tạo thành 5 cánh buồm, tượng trưng cho ngũ hành, cho thành phố biển đang vươn ra biển lớn.

Năm cánh buồm mang các bức phù điêu, nội dung miêu tả khái quát tiến trình lịch sử của đất nước để đưa đến việc hình thành mảnh đất Đà Nẵng giàu đẹp hôm nay, điểm nhấn nói lên Đà Nẵng là bàn đạp trong tiến trình mở cõi về phương Nam để có một Việt Nam thống nhất trải dài đến mũi Cà Mau.

Nội dung các bức phù điêu được khắc họa cụ thể như sau:

  • Cánh buồm 1: Thể hiện truyền thuyết Con Rồng – Cháu Tiên, Hùng Vương dựng nước, khẳng định nguồn cội của dân tộc Việt Nam.
  • Cánh buồm 2: Thể hiện non sông đất nước ở phương Bắc, tiêu biểu là Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến.
  • Cánh buồm 3 (Mảng trung tâm): Khắc họa hình ảnh vua Lê Thánh Tông, vị vua anh minh lỗi lạc, có công lao to lớn trong hành trình mở cõi về phương Nam. Phù điêu thể hiện vua Lê Thánh Tông đang đứng trên đỉnh Hải Vân vào một đêm trăng sáng, nhìn vào xứ Đồng Long – Đà Nẵng trong lần thống lĩnh đại binh đi bình định, mở đất phương Nam (1471).
  • Cánh buồm 4: Nói lên truyền thống anh hùng của người dân Đà Nẵng trong lịch sử chống ngoại xâm giữ gìn non sông bờ cõi, đỉnh cao là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ:
  • Cánh buồm 5: Hình ảnh thành phố Đà Nẵng thời kỳ đổi mới và phát triển. Trung tâm là chiếc cầu quay sông Hàn, hình ảnh đặc trưng của thành phố và là biểu hiện của sức mạnh đồng thuận Đà Nẵng trên đường xây dựng quê hương giàu mạnh. Và đặc biệt là hình ảnh về cột mốc chủ quyền Hoàng Sa.

b) Giới thiệu bản đồ hành chính thành phố

Ngày 6/11/1996 tại cuộc họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã thông qua Nghị quyết cho phép tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Đầu 1997, Đà Nẵng chính thức trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương với diện tích 1.283,42 km². Đà Nẵng có tất cả 6 quận nội thành, 1 huyện ngoại thành và huyện đảo Hoàng Sa, có 56 phường, xã.

c/ Hệ sinh thái tự nhiên

Nói đến Đà Nẵng, không thể không nói đến biển và tài nguyên biển. Vùng biển Đà Nẵng có ngư trường rộng trên 15.000 km2, sở hữu một hệ động thực vật biển phong phú với trên 266 giống loài.

Thiên nhiên đã ưu đãi ban cho Đà Nẵng các khu bảo tồn thiên nhiên đặc sắc như:  Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà… Tại hai khu bảo tồn này sở hữu hệ động thực vật rất phong phú, đa dạng. Đặc biệt, tại Sơn Trà có loài động vật quý hiếm Voọc chà vá chân nâu. Đây là loài linh trưởng có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, được xem là đặc hữu của Đông Dương cần được bảo vệ.

d) Bộ sưu tập mẫu vật địa chất khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản của Đà Nẵng đa dạng, tổng hợp kết quả điều tra trên địa bàn thành phố ghi nhận có 12 loại khoáng sản rắn: Đồng, thiếc, wolfram, vàng, than bùn, cát thuỷ tinh, đá hoa mỹ nghệ, laterit, cát cuội sỏi, sét gạch ngói, đá phiến lợp… Bên cạnh còn có cả suối nước nóng Đồng Nghệ với loại nước khoáng silic có giá trị chữa bệnh cao.

e/ Khảo cổ học

* Bộ sưu tập hiện vật văn hóa Sa Huỳnh

Trên phương diện khảo cổ học, văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba nền văn hóa quan trọng nhất được tìm thấy ở Việt Nam. Nền văn hóa này có niên đại khoảng từ thiên niên kỷ thứ I tr.CN đến cuối thế kỷ II sau CN. Trong không gian trưng bày này, Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu một số hiện vật thuộc Văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng, vùng đất được coi là một trong những trung tâm và mang đầy đủ những đặc trưng của nền văn hóa khảo cổ học nổi tiếng này.

Trong sưu tập đồ trang sức có các loại khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai 3 mấu, các loại chuỗi hạt… Bên cạnh đó là các hiện vật bằng gốm, công cụ lao động bằng đá, đồng.

* Di chỉ Vườn đình Khuê Bắc, Nam Thổ Sơn:

– Không gian tái tạo một hố khai quật tại di chỉ vườn đình Khuê Bắc tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn được khai quật vào tháng 5/2001. Qua di chỉ Tiền Sa Huỳnh này bước đầu khẳng định Đà Nẵng là 1 vùng đất cổ, cách đây khoảng 3000 năm đã có đã có cư dân văn hóa Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh sinh sống

– Về Di chỉ Nam Thổ Sơn được khai quật vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2000; các hiện vật được tìm thấy khá nhiều, tập trung là loại hình đồ gốm như: bình gốm, gạch, mảnh vò, mảnh nồi, …Bên cạnh các hiện vật gốm Chăm chiếm ưu thế, việc tìm thấy các mảnh gốm sành Trung Quốc, gốm Islam (loại gốm được sản xuất chủ yếu từ sau thế kỷ V ở Trung Cận Đông và Ai Cập) và đồng tiền đời Đường (Trung Quốc) hiệu “Khai Nguyên thông bảo” khiến các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm, xem đó là những minh chứng cho hoạt động giao thương với nước ngoài từng diễn ra ở khu vực này. Từ các hiện vật khai quật được, các nhà nghiên cứu khẳng định Nam Thổ Sơn là một di chỉ cư trú thuộc văn hóa Chămpa có niên đại khoảng từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 11. Cư dân Nam Thổ Sơn có nghề làm gốm khá phát triển và có quan hệ giao thương rộng rãi với nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới.

  1. Một số bộ sưu tập cổ vật

* Gốm Chu Đậu

Những hiện vật gốm Chu Đậu của tỉnh Hải Dương được trưng bày tại đây chủ yếu có niên đại từ thế kỷ 15 và thế kỷ 16 – thời kỳ gốm Chu Đậu phát triển đỉnh cao về chất lượng và thẩm mỹ. Phần lớn hiện vật này là những đồ gốm men trắng chàm, được trục vớt từ tàu gốm cổ phát hiện ở Cù Lao Chàm (Hội An) năm 1997.

* “Đồ sứ ký kiểu”

Là thuật ngữ dùng để chỉ những đồ sứ do người Việt Nam đặt làm từ Trung Quốc theo yêu cầu và mẫu mã riêng của mình. Trong các triều đại quân chủ Việt Nam, thời Nguyễn (1802 – 1945) được xem là thời kỳ mà đồ sứ ký kiểu có nhiều nhất.

Bộ sưu tập gốm sứ được giới thiệu ở đây bao gồm các hiện vật gốm sứ ký kiểu men lam thế kỷ 19 (triều Nguyễn), gốm sứ Việt Nam và một số hiện vật sứ Trung Quốc. Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn hiện được biết đến như một di sản – cổ vật quý giá của vương triều này để lại.

g) Văn hóa biển Đà Nẵng

Với đặc trưng là một thành phố biển, một bộ phận cư dân Đà Nẵng sống bằng nghề biển, trải qua thời gian biển trở thành một thành tố quan trọng trong đời sống của bộ phận ngư dân nói riêng và của cư dân Đà Nẵng nói chung. Phần trưng bày tiếp theo sẽ dành để giới thiệu đời sống cư dân biển và các lễ hội văn hóa biển Đà Nẵng.

*  Ghe bầu

Nổi bật trong mảng trưng bày này là mô hình chiếc ghe bầu-sản phẩm của quá trình tiếp biến văn hóa Chămpa, trở thành đặc trưng của xứ Quảng nói riêng và của cư dân biển miền Nam Trung Bộ nói chung. Đây là loại thuyền biển có tải trọng lớn (từ 50 – 100 tấn), thường được dùng để vận chuyển hàng hóa giữa các vùng miền trong nước và cả buôn bán với nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…

Ghe bầu thịnh hành nhất vào khoảng từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Với chức năng vận tải biển, ghe bầu được dùng vào những mục đích quân sự khác nhau, chủ yếu là chuyên chở binh lính, lương thực, vũ khí… Ghe bầu cũng là chiếc cầu nối trong quan hệ giao lưu văn hóa giữa các địa phương trong nước và với quốc tế. Và vai trò quan trọng hơn cả, gắn liền với đặc điểm và tính năng của ghe bầu là vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu phát triển thương mại, nhất là trong ngoại thương.

* Ngư cụ truyền thống:

Ngư nghiệp truyền thống Đà Nẵng sử dụng các phương tiện đánh bắt thô sơ như: các loại ghe biển, thuyền thúng dùng đánh bắt gần bờ; các loại lưới đánh bắt, câu, dụng cụ đánh bắt các loại nhuyễn thể… Do vậy, ngư dân chủ yếu đánh bắt gần bờ, chưa có tàu đánh cá hiện đại với đầy đủ các trang thiết bị cho những cuộc đánh bắt xa bờ, dài ngày. Những ngư cụ đánh bắt được trưng bày ở đây chủ yếu là do ngư dân tự làm ra, tự cải tiến trong quá trình sử dụng (lưới, vó, cào ốc,…)

* Tín ngưỡng thờ cúng cá Ông và Lễ hội cầu ngư

Tiêu biểu nhất trong đời sống tâm linh và sinh hoạt văn hóa của ngư dân Đà Nẵng chính là tục thờ Cá Ông (tức là cá Voi) và lễ hội Cầu ngư. Theo dân gian, cá Ông là một linh vật hết sức thiêng liêng, là vị thần hộ mệnh cho thuyền bè đi biển. Và ngược lại, khi cá Ông chết, xác trôi dạt vào bờ đều được ngư dân tổ chức an táng và thờ cúng thật trang trọng. Người nhìn thấy cá Ông đầu tiên chết, được xem là con của Ông, chịu tang. Sau 3 năm vạn chài tiến hành nghi lễ đưa xương cá Ông vào thờ ở Lăng Ông.

Hằng năm ở Đà Nẵng, các vạn chài đều tổ chức lễ cầu ngư, tuy ngày lễ hội diễn ra không thống nhất nhưng đều tập trung vào mùa xuân. Ở đây Bảo tàng Đà Nẵng tái tạo lại không gian lễ hội cầu ngư tại phường Mân Thái – quận Sơn Trà.

h) Quá trình đô thị hóa tại Đà Nẵng

Dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển đô thị Đà Nẵng có thể nói đó là sự kiện ngày 24/5/1889, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập thành phố Tourane. Từ đó, người Pháp bắt tay xây dựng thành phố nhượng địa này. Các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, cơ sở hạ tầng kinh tế, các công sở, các khu dân cư, công trình văn hóa, giáo dục, y tế  được thiết lập. Trong đó có nhiều công trình kiến trúc vẫn còn tồn tại đến ngày nay như quý vị đang nhìn thấy ở trong phần trưng bày này.

Giai đoạn từ năm 1945 – 1975, do chiến tranh và mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành căn cứ quân sự của ngươi Mỹ chi phối, quá trình đô thị hóa ở Đà Nẵng chuyển biến chậm, hầu như rất hạn chế.

Giới thiệu đến quý vị một số hình ảnh tiêu biểu về quá trình đô thị hóa Đà Nẵng giai đoạn này: Đường Hùng Vương dưới thời Mỹ chiếm đóng, chợ Hàn, Rạp hát Hòa Bình ở ngay vị trí nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh bây giờ, chợ Cồn.

Sau năm 1975, quá trình đô thị hoá ở Đà Nẵng đã có được những bước thay đổi đáng kể, nhưng đặc biệt phải nói đến giai đoạn từ sau năm 1997, khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Ở Đà Nẵng từng có một kiểu thức nhà được người dân gọi bằng một cái tên mà bây giờ trở thành ký ức là Nhà Chồ. Những ngôi nhà chồ tạm bợ như thế này từng là nơi cư ngụ của một bộ phận ngư dân ven sông Hàn. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ chính sách đền bù giải tỏa, tái định cư, những xóm nghèo và xóm nhà chồ đã được thay thế bằng những khu phố sạch đẹp, khang trang.

Đà Nẵng cũng có những bước tiến rất dài trong giao thông nội thị. Kể từ ngày bắt đầu chỉnh trang đô thị đến nay, nhiều con đường cũ đã được mở rộng và kéo dài. Một số con đường được xây dựng mới góp phần điều tiết giao thông, phát triển kinh tế xã hội và làm đẹp đô thị. Đà Nẵng hiện nay có trên 2200 con đường có tên, tăng gấp 10 lần so với thời điểm năm 1997.

i/ Truyền thống nông nghiệp về trồng trọt

Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố cảng, có lợi thế lớn về công nghiệp, thương nghiệp…nhưng sản xuất nông nghiệp trồng trọt vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhu cầu lương thực, thực phẩm cho địa phương và một số vùng lân cận.

Những hình ảnh, hiện vật về nông nghiệp trồng trọt truyền thống của người dân Đà Nẵng: Cày, bừa, bộng đất, ách cày, cuốc, vồ đạp đất, liềm cắt lúa, nong, nia, thúng, ngà rơm, đòn xóc, đòn gánh, trang cào lúa, cối xay lúa, chày giã gạo…

k) Các làng nghề truyền thống

Trong quá trình lịch sử, ở Đà Nẵng đã hình thành và phát triển nhiều làng nghề thủ công truyền thống. Trong quá khứ xa xôi, đây chỉ là những nghề phụ của một số hộ gia đình trong các cộng đồng làng xã.

Làng nghề điêu khắc đá Non Nước

Giờ đây, nhiều làng nghề đã phát triển chuyên nghiệp, sản phẩm làm ra mang nhiều giá trị, trở thành hàng hóa được giao thương rộng rãi cả ở trong nước và thế giới như: Làng nghề điêu khắc đá Non Nước, làng nghề làm nước mắm Nam Ô, làng nghề bánh tráng Túy Loan v.v…

Tầng 2

a) Đà Nẵng mở đầu mặt trận kháng Pháp (1858 – 1860)

Với vị trí chiến lược quan trọng, Đà Nẵng sớm lọt vào “tầm ngắm” của các nước Tư bản Phương Tây .

Thực hiện âm mưu xâm lược nước ta, sáng sớm ngày 1/9/1858, Liên quân Pháp và Tây Ban Nha do Tướng Genouilly chỉ huy đã  pháo kích vào các ổ súng đại bác và Hải đài của Đà Nẵng. Quân phòng thủ của Đà Nẵng tại các đồn lũy đã chống trả quyết liệt, nhưng do quá chênh lệch về sức mạnh quân sự, đành phải rút lui khỏi thành Điện Hải và một số vị trí đồn luỹ khác ở vùng cửa biển.

Khi tướng Nguyễn Tri Phương – một vị tướng tài của triều đình nhà Nguyễn được điều về làm chỉ huy tại mặt trận Đà Nẵng, với chiến thuật “vườn không nhà trống” và xây dựng tuyến phòng thủ, quân triều đình đã nhiều lần phục binh, tiến sát thành tiêu diệt địch, khiến chúng luôn ở trong tình thế bị bao vây.

Báo Le Monde illustré ( 12-5-1860 ) – Toàn cảnh Vịnh Tourane, nhìn từ pháo đái Aiguade. Hình: tư liệu

Sau nhiều lần tấn công vào sâu nội địa Đà Nẵng mà không thành công, đến ngày 23/3/1860, liên quân Pháp – Tây Ban Nha buộc phải rút khỏi Đà Nẵng, để lại trên bán đảo Sơn Trà một “tháp hài cốt chứa ngàn cây thánh giá”.

b) Các phong trào yêu nước trước năm 1930

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, tại Quảng Nam – Đà Nẵng các phong trào yêu nước nổ ra khắp nơi. Tiêu biểu là: phong trào Nghĩa Hội (1885 – 1887), Phong trào Duy Tân (1906 – 1908) và Phong trào chống thuế (1908).

Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu một số hiện vật, tư liệu của các sự kiện này và chân dung của các sĩ phu, nhà yêu nước tiêu biểu của đất Quảng Nam – Đà Nẵng.

c) Các tổ chức cơ sở Đảng tại Đà Nẵng trước 1930 đến Cách mạng tháng Tám năm 1945

Giai đoạn trước 1930, tại Đà Nẵng, các tổ chức cách mạng cũng được thành lập. Tuy vậy, chỉ có Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội và Tân Việt Cách mạng đảng là phát triển và tạo được những bước chuyển biến trong phong trào đấu tranh của Đà Nẵng lúc bấy giờ. Tháng 9 năm 1927, chi bộ đầu tiên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội ở Đà Nẵng được thành lập do ông Đỗ Quang làm bí thư.

 Cách mạng tháng 8 năm 1945 tại Đà Nẵng:

Tháng 7/1945, Mặt trận Việt Minh Đà Nẵng được thành lập. Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8/1945, không khí tổng khởi nghĩa lan rộng.

Ở nội thành, ngày 26/8/1945 lệnh tổng khởi nghĩa toàn thành phố được phát ra. Cán bộ Việt Minh tại các cơ sở tập hợp lực lượng, treo cờ đở sao vàng, biểu ngữ… đọc lệnh khởi nghĩa, tuyên bố xóa bỏ bộ máy điều hành cũ, thiết lập ban điều hành mới của cách mạng. Đến 9 giờ sáng, lực lượng khởi nghĩa đã chiếm lĩnh tất cả các công sở trong thành phố. Cách mạng tháng 8 năm 1945 ở Đà Nẵng thắng lợi mà không hề gây đổ máu mặc dù Đà Nẵng là nơi tập trung đông quân Nhật.

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, thành phố Đà Nẵng bước vào thời kỳ mới với tên gọi Thành Thái Phiên, cùng chung niềm vui tự do, độc lập với cả nước, chấm dứt thời kỳ 57 năm là đất “nhượng địa”.

Trong chuyên đề về Cách mạng tháng 8 tại Đà Nẵng, xin giới thiệu sưu tập tài liệu, vũ khí mà nhân dân Đà Nẵng dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh đã sử dụng trong tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

d) Không gian tái tạo xưởng vũ khí Nho Bán

Xưởng vũ khí Nho Bán được thành lập ngày 15/4/1946 là xưởng vũ khí đầu tiên của Đà Nẵng trong những ngày đầu khó khăn của cuộc kháng chiến chống Pháp. Địa điểm sản xuất của Xưởng ban đầu là tại Thanh Chiêm, Điện Bàn, Quảng Nam. Nhiệm vụ của Xưởng là nghiên cứu chế tạo các vũ khí đặc biệt khi Ban Quân sự yêu cầu; sưu tầm các loại vật tư kỹ thuật để chế tạo lâu dài.

e) Đà Nẵng trong kháng chiến chống Pháp 1946 – 1954

Giữa lúc chính quyền cách mạng còn non trẻ, ngày 01/4/1946, quân Pháp quay trở lại Đà Nẵng. Cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai của nhân dân Đà Nẵng do Việt Minh lãnh đạo  bắt đầu nổ ra vào sáng ngày 20/12/1946.

Trong năm 1947, Việt Minh vận động và tổ chức nhân dân hồi cư để có lực lượng kháng chiến tại chỗ. Năm 1949 ta chuyển sang tổng phản công. Ngày 12/02/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban Sắc lệnh tổng động viên “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Việc tổng động viên nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến ở Đà Nẵng được thực hiện bằng nhiều hình thức được nhiều tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực.

Tháng 5/1954, Navarre, tổng tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương được cử sang Việt Nam làm tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp. Chúng đề ra kế hoạch Atlante (Át – lăng) hòng đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5. Những thắng lợi liên tiếp của quân dân Đà Nẵng trên tất cả các mặt trận góp phần đánh bại kế hoạch Atlante của đối phương.

Trận đại thắng của Việt Minh tại tập đoàn cứ điểm phòng thủ lớn nhất của địch ở Điện Biên Phủ đã buộc Pháp phải ký hiệp định Genève năm 1954 về chấm dứt chiến tranh Việt Nam, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi.

Sau khi hiệp định Genève năm 1954 được ký kết, Việt Minh thực hiện việc tập kết chuyển quân và đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử theo Hiệp định. (Giới thiệu hình ảnh tập kết chuyển quân và đấu tranh tổng tuyển cử).

Trong phần trưng bày này giới thiệu một số sưu tập hiện vật có liên quan đến giai đoạn kháng chiến chống Pháp của nhân dân Đà Nẵng (truyền đơn, vũ khí, huy hiệu…)

* Không gian tái tạo căn cứ Môm Nở:

Khu căn cứ Môm Nở nằm ở phía Bắc bán đảo Sơn Trà. Đây là nơi đóng quân của một bộ phận văn phòng Thành ủy Đà Nẵng từ 1954 – 1958.

Nhiệm vụ chủ yếu là in ấn tài liệu tuyên truyền và làm các giấy tờ phục vụ quá trình đi lại hoạt động. Ngoài ra, đây còn là nơi thường xuyên nhận những chuyến hàng viện trợ từ những chuyến tàu từ miền Bắc đưa vào tiếp tế cho miền Nam. Đầu năm 1958, Mỹ – Diệm đánh phá ác liệt và khu căn cứ Môm Nở cũng bị phát hiện. Từ đó, cơ quan văn phòng cũng bí mật chuyển đi nơi khác.

f) Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975)

Trong phần trưng bày này, Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu một số hình ảnh, hiện vật về những nhà tù được thiết lập ở Đà Nẵng từ thời Pháp cho đến thời Mỹ (cánh cửa nhà tù Con Gà, các dụng cụ dùng tra tấn của Mỹ Diệm). Sự tàn bạo của hệ thống nhà tù và những thủ đoạn tra tấn, áp bức ấy cũng không thể đánh bại được ý chí và tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng.

Đến giữa năm 1965, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Ngày 8/3/1965, quân viễn chinh Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và xây dựng Đà Nẵng thành một khu căn cứ quân sự liên hợp của Mỹ. Quân và dân tỉnh Quảng Đà đã quyết định xây dựng Vành đai diệt Mỹ Hòa Vang” bao quanh căn cứ Mỹ.

Bên cạnh các hoạt động quân sự, trong nội thành Đà Nẵng các cuộc biểu tình, bãi công đòi quyền dân chủ dân sinh… cũng diễn ra sôi nổi (hình ảnh nhân dân, công nhân, học sinh sinh viên biểu tình chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn). Trong đó, nổi bật nhất là sự kiện quần chúng nhân dân làm chủ thành phố trong 76 ngày đêm (từ 10/3/1966 đến 24/5/1966). Đây là một bước ngoặt lớn của phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị và để lại những bài học kinh nghiệm quý báu trong việc lãnh đạo phong trào quần chúng.

* Không gian tái tạo khu căn cứ K20

K20 là mật danh khu căn cứ lõm do Quận ủy quận III Đà Nẵng chỉ đạo xây dựng từ mùa đông năm 1964 tại phường Khuê Mỹ quận Ngũ Hành Sơn ngày nay, tồn tại trong suốt quá trình kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày toàn thắng năm 1975.

Bằng sự khôn khéo, mưu trí, dũng cảm, quần chúng nhân dân khu căn cứ với một hệ thống dày đặc các hầm bí mật, được bảo vệ bằng một thế trận lòng dân với ý thức tự giác cách mạng cao độ, tinh thần đoàn kết và tấm lòng son sắt với cách mạng. Tại căn cứ này, quân giải phóng đã làm nên những trận đánh lớn tấn công vào các căn cứ quân sự của địch. Đặc biệt trong điều kiện vây ráp, khủng bố của đối phương nhưng quần chúng nhân dân K20 vẫn tổ chức được buổi lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 8/9/1969 tại chùa Khuê Bắc – một buổi lễ trang nghiêm, đầy xúc động và cũng an toàn như đang diễn ra ở vùng giải phóng.

Chiến dịch Mậu Thân 1968: tại Đà Nẵng, lúc 2 giờ 20 phút ngày 30/1/1968 (đêm 30 tết Mậu Thân), quân giải phóng pháo kích vào sân bay Nước Mặn, sân bay Đà Nẵng, trận địa pháo Thanh Vinh. Cùng với sự tấn công của các chiến sỹ biệt động thành là các cuộc mittinh, biểu tình của quần chúng nhân dân, tạo nên một không khí đấu tranh sôi nổi khắp thành phố. Tuy nhiên, trong Mậu Thân 1968, Đà Nẵng không phải là trọng điểm, quá trình chỉ đạo thiếu đồng bộ… do đó các mũi tấn công quân sự tuy đã gây ra nhiều thiệt hại cho nhưng không đủ mạnh để làm tê liệt sức kháng cự của đối phương.

Sự kiện chiến công của Mẹ Nhu và 7 dũng sĩ Thanh Khê: Tháng 9/1968, quân giải phóng đưa một lực lượng biệt động vào hoạt động tại khu phố Thanh Khê, trú ẩn tại nhà Mẹ Hiền, mẹ Nhu,… Tại đây, ngày 26/12/1968, mẹ Nhu và 7 dũng sĩ Thanh Khê đã lập chiến công. Chỉ với 7 chiến sĩ cách mạng đã tiêu diệt và làm bị thương 80 quân xâm lược và tay sai, tự mình phá vòng vây trở về căn cứ an toàn trước sự vây ráp của kẻ thù. Trong trận này, mẹ Nhu và chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Huề (1 trong 7 dũng sĩ Thanh Khê) đã anh dũng hy sinh. (giới thiệu hình ảnh, hiện vật liên quan đến sự kiện Mẹ Nhu…)

* Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng năm 1975:

 Trong ngày 25, 26/3/1975, lệnh khởi nghĩa được truyền đạt. Ông Trần Thận – Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà trực tiếp chỉ huy chiến dịch. Sáng ngày 29/3/1975, theo kế hoạch, các lực lượng quân đội đồng loạt tấn công vào thành phố từ các hướng, phối hợp với quần chúng nhân dân đánh chiếm Bộ tư lệnh quân đoàn I Ngụy; chiếm lĩnh Tòa Thị chính vào lúc 11 giờ 30 phút. Đoàn quân giải phóng tiến vào thành phố trong sự hân hoan chào đón của đông đảo nhân dân. Ủy ban Quân quản thành phố được thành lập do ông Hồ Nghinh làm chủ tịch và bắt đầu thực hiện những công việc để ổn định tình hình. Và đây là hiện vật con dấu đầu tiên của Ủy ban Quân quản thành phố

g) Chuyên đề: chứng tích chiến tranh của quân đội Mỹ ở Đà Nẵng và vùng phụ cận

* Đà Nẵng – Khu căn cứ quân sự liên hợp của quân đội Mỹ

Ngày 8/3/1965, Đại đội đầu tiên của Tiểu đoàn 3 thuộc Lữ đoàn Thuỷ quân lục chiến số 9 của quân Mỹ đã đổ bộ lên bãi biển Phú Lộc và Xuân Thiều (nay thuộc quận Liên Chiểu), đánh dấu sự tham chiến công khai của quân đội Mỹ tại Việt Nam.

Chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 3 – 9/1965, Mỹ đã  xây dựng Đà Nẵng thành khu căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất ở Miền Trung, và đứng thứ hai ở miền Nam.

*  Các loại vũ khí quân đội Mỹ đã sử dụng ở chiến trường miền Nam

Bên cạnh việc xây dựng Khu căn cứ liên hợp quân sự tại Đà Nẵng, quân Mỹ đã không ngừng đưa các loại vũ khí tối tân, hiện đại phục vụ ý đồ xâm lược của họ. Không gian trưng bày này giới thiệu một số loại súng, các loại đạn pháo, đầu đạn và bom nổ… quân đội Mỹ đã sử dụng trên chiến trường miền Nam Việt Nam như: Bom CBU/55-B, bom Napalm, Bom CBU 24. Xin được giới thiệu đến quý khách các loại bom đó trong không gian trưng bày này.

* Không gian tái tạo Cây nhiệt đới và hàng rào điện tử McNamara

– “Cây nhiệt đới”: là tên gọi mà quân giải phóng đặt cho một loại máy thu phát tín hiệu rất tinh vi của quân đội Mỹ. Loại máy này nhằm phát hiện chấn động mặt đất và tiếng động của người, xe… khi chuyển động rồi tự động truyền tín hiệu về trung tâm tác chiến điện tử.

– Hàng rào điện tử McNamara: là hệ thống các phương tiện trinh sát điện tử tự động mặt đất nhằm phát hiện thâm nhập, được đặt theo tên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert McNamra – tác giả và là người chỉ đạo thực hiện. Hàng rào điện tử McNamara được xây dựng từ tháng 6/1966 ở chiến trường miền Nam Việt Nam, tập trung ở dọc theo khu phi quân sự ở Vĩ tuyến 17đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh). Ở Đà Nẵng, hàng rào điện tử McNamara được xây dựng từ tháng 6 năm 1968 từ khu tây Hoà Vang, vùng A, B, C Điện Bàn xuống sát mép biển Điện Ngọc – Điện Dương.

Với sự mưu trí dũng cảm của quân dân Việt Nam, hàng rào điện tử McNamara, công trình làm tiêu tốn gần 2 tỉ đôla đã bị vô hiệu hoá và phá sản hoàn toàn từ sau năm 1968.

* Những cuộc hành quân bắn phá, càn quét của quân đội Mỹ

Đi đôi với việc giết hại dã man thường dân vô tội, quân đội Mỹ và lính đánh thuê Nam Triều Tiên tiến hành huỷ diệt thôn xóm, nhà cửa, triệt phá ruộng vườn cắt đứt nguồn sinh sống của nhân dân nông thôn, hòng buộc người dân phải chia lìa quê hương, sống trong vòng kìm kẹp mà họ gọi là “khu dinh điền”, “ấp chiến lược”. Bằng chính sách và thủ đoạn dã man tàn bạo đó, lính Mỹ  và lính Nam Triều Tiên đã gây ra những hậu quả nặng nề trên đất Quảng Nam – Đà Nẵng .

* Các loại quân trang, quân dụng của lính Mỹ

Giới thiệu đến quý khách một số quân trang, quân dụng mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược tại Việt Nam. (máy điện thoại cầm tay, ống nhòm, áo lính, mũ, đèn phát tín hiệu…). Đặc biệt là loại mặt nạ chống hơi độc mà lính Mỹ sử dụng trong khi phun thuốc khai quang làm hủy diệt môi trường sống của con người.

* Vũ khí hóa học và chất độc da cam – dioxin quân đội Mỹ đã sử dụng ở miền Nam Việt Nam

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam từ năm 1962 – 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống đất nước ta hơn 73 triệu lít chất độc hoá học, trong đó có khoảng 366kg dioxin – loại chất độc nhất trong số các chất độc mà con người đã tìm ra được cho đến nay. Đây là một cuộc chiến tranh hoá học quy mô nhất, kéo dài ngày nhất trong lịch sử nhân loại, để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho con người và môi trường sinh thái Việt Nam.

Bên cạnh những hình ảnh về hoạt động phun chất độc hóa học của quân đội Mỹ, Bảo tàng Đà Nẵng còn giới thiệu một số tài liệu mật chỉ đạo kế hoạch phun chất khai quang của quân đội Mỹ trên chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng.

*  Các vụ thảm sát:

Không gian trưng bày này Bảo tàng Đà Nẵng cũng giới thiệu một số hình ảnh những nạn nhân còn sống sót trong các vụ thảm sát, sau những lần bị địch tra tấn dã man. Đặc biệt là hình ảnh chị Trần Thị Lý  – người con gái anh hùng của đất Quảng Nam – Đà Nẵng, người được chính quyền Đà Nẵng đặt tên cho một con đường và một cây cầu qua sông Hàn.

* Thế giới ủng hộ chiến tranh Việt Nam

Ngót 20 năm ròng rã chiếm đóng trên đất Quảng Nam-Đà Nẵng, nhất là từ sau năm 1965, đế quốc Mỹ đã tiến hành vô số vụ thảm sát người dân vô tội, không phân biệt người già, phụ nữ, trẻ em. Tất cả những tội ác ghê tởm do quân Mỹ gây ra trên đất nước Việt Nam đều bắt nguồn từ tội ác xâm lược của họ. Theo luật pháp quốc tế, đó là tội ác lớn nhất, cơ bản nhất trong quan hệ giữa các quốc gia với nhau. Vì thế, nhân dân toàn thế giới đã lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa mà đế quốc Mỹ đã tiến hành tại Việt Nam.

 Giới thiệu đến quý vị các bức tranh cổ động của nước ngoài phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, các phong trào đấu tranh của các nước trên thế giới ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam, băng rôn, cờ, khẩu hiệu, các loại phù hiệu của nước Đức, Ý, Nhật, Pháp…

* Khắc phục hậu quả chất độc dioxin tại Đà Nẵng

Cuộc chiến tranh hóa học mà quân đội Mỹ thực hiện ở Việt Nam đã gây ra những hậu quả nặng nề. Tại thành phố Đà Nẵng, có hơn 5.000 người bị nhiễm chất độc da cam. Đây chỉ là một số hình ảnh thương tâm mà thế hệ thứ 2, thứ 3 phải gánh chịu do ảnh hưởng của chất dioxin tại thành phố Đà Nẵng. Hiện nay, bên cạnh các hoạt động chăm lo, săn sóc, giúp đỡ và tạo điều kiện làm ăn, sinh sống cho những nạn nhân chất độc da cam luôn được thành phố chăm lo, việc khắc phục các khu vực nhiễm chất độc da cam đang được thực hiện, trong đó mấy năm gần đây người Mỹ cũng đã hỗ trợ trong việc giải độc tại khu vực sân bay Đà Nẵng.

* Giới thiệu tác phẩm của cố  điêu khắc gia Đỗ Toàn:

Tác phẩm được sáng tác năm 1992, với biểu tượng Chiến tranh và Hòa bình. Thông qua đó, Đỗ Toàn muốn thể hiện tình yêu hòa bình và khát vọng sống của dân tộc Việt Nam.

* Kết thúc trưng bày tầng 2: Giờ đây nhìn lại quá khứ không phải để gợi lại sự hận thù mà để cùng nhau rút ra những bài học kinh nghiệm của lịch sử, mong rằng những thảm cảnh đáng buồn đó sẽ không còn tái diễn trên đất nước Việt Nam cũng như bất cứ nơi nào trên trái đất của chúng ta.

Tầng 3: Văn hóa cộng đồng các dân tộc ở Đà Nẵng – Quảng Nam

a) Về văn hóa Việt ở vùng đất Đà Nẵng – Quảng Nam

* Giới thiệu chung

Có thể nói, Xứ Quảng là vùng đất có bề dày lịch sử – văn hóa lâu đời. Trải qua rất nhiều thời kỳ lịch sử thăng trầm, vùng đất Quảng vẫn còn lưu giữ nhiều nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, mang đậm giá trị tinh thần nhân văn sâu sắc. Nơi đây đã sản sinh ra biết bao nhiêu tài danh, hào kiệt cho đất nước, nơi lưu giữ  những công trình văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị cao.

Văn hóa xứ Quảng tuy có những nét đặc trưng riêng, nhưng vẫn nằm trong loại hình văn hóa nông nghiệp Việt Nam. Văn hóa của xứ Quảng hình thành dựa trên sự giao lưu, tiếp biến khi những lưu dân Việt vào đây khai canh, khai cư mang theo những nét sinh hoạt truyền thống của người Việt và dung hòa với văn hóa bản địa của người Chăm và một số tộc người thiểu số nhóm Môn-Khơ me ở khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên.

Ở đây, quý khách sẽ được thấy một căn nhà Rường truyền thống của người dân được thiết kế xây dựng đặc sắc để phù hợp với điều kiện thiên nhiên nơi đây. Cùng với đó, giá trị văn hóa của vùng đất Quảng còn tỏa sáng từ những sắc màu văn hóa độc đáo ẩn chứa trong các phong tục, tập quán, lễ hội của các dân tộc sinh sống trên quê hương nặng nghĩa tình này được giới thiệu qua các sưu tập về trang phục, đồ dùng trong lễ cưới; những chiếc khuôn bánh in mộc mạc, bộ nghề mộc, về nhạc cụ hay như những vật dụng sinh hoạt thường ngày, đồ mỹ nghệ, trang trí… Tất cả đã nói lên tài hoa và sự khéo léo, tinh xảo của người xứ Quảng. Đây chính là những tài sản vô giá, là niềm tự hào của cộng đồng cư dân Việt ở đất Quảng.

* Nhà Rường

Nhà chính thường là loại nhà 3 gian 2 chái, mặt bằng sinh hoạt được bố trí gian giữa hậu làm gian thờ, tiền tiếp khách; phần tiền là nơi nghỉ ngơi, tiếp khách. Phần 2 chái và suốt chiều dài của 3 gian hậu làm nơi cất giữ lương thực và đồ dùng trong gia đình. Những nhà khá giả thường có tăng thêm hàng cột làm chái kép và rầm thượng để cất giữ của cải.

 Tôn trọng lễ nghĩa của người Việt xưa, tường đông dành cho phụ nữ, tường tây cho đàn ông. Công năng sử dụng chính vẫn là nơi thờ tự, thứ đến là chỗ ở của đàn ông. Một kiến trúc bằng tre, gỗ hoặc kết hợp gỗ với tre nằm thẳng góc với nhà chính gọi là nhà ngang – nhà dưới, với kiểu nhà 3 gian có chái hoặc không chái, số cột thường giảm, tạo thông thoáng làm nơi chế biến các sản phẩm của nhà nông và cũng là nơi nghỉ ngơi chính của phụ nữ.

* Không gian tái tạo quầy thuốc Bắc

Từ thế kỷ 17, khi Hội An trở thành thương cảng quốc tế và Đà Nẵng đóng vai trò tiền cảng của Hội An, người Hoa đã đến sinh sống và tham gia buôn bán ở hai cảng thị này. Cùng với nhiều mặt hàng khác, các thuyền buôn Trung Quốc cũng chuyên chở các loại thuốc Bắc từ Trung Quốc sang bán lại cho các nhà buôn ở đây, vừa để bán tại chỗ, vừa để phân phối cho các tiệm thuốc khắp nơi như thượng nguồn sông Thu Bồn, như Huế, Hải Phòng… Đến khi Đà Nẵng trở nên hưng thịnh, nghề thuốc Bắc cũng lớn mạnh theo. Lúc này ở Đà Nẵng đã có nhiều hàng hiệu, tiệm thuốc Bắc của cộng đồng người Hoa, bao gồm cả việc bắt mạch, kê đơn, bán thuốc, châm cứu, chữa bệnh…

b) Văn hóa đồng bào dân tộc ít người ở Quảng Nam – Đà Nẵng

*   Bản đồ phân bố các tộc người Quảng Nam – Đà Nẵng

Miền núi Quảng Nam và Đà Nẵng là nơi cư trú của các dân tộc thiểu số: Cơtu, Xơ đăng, Gié Triêng, Cor. Họ đều thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer, dòng Nam Á, là cư dân bản địa, có nguồn gốc lâu đời và có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình lịch sử và văn hóa Việt Nam. Riêng địa bàn miền núi Đà Nẵng, chủ yếu là đồng bào dân tộc Cơtu.

* Hoạt động sản xuất của các đồng bào các dân tộc:

Đời sống kinh tế của đồng bào chủ yếu vẫn là làm nương phát rẫy, trồng lúa và cá loại ngũ cốc.

Trồng lúa rẫy (lúa khô) là loại hình trồng trọt chủ yếu, quyết định lương thực của đồng bào miền núi. Cây lúa rẫy thường gieo tỉa vào khoảng tháng 4 tháng 5 đến tháng 9 tháng 10 lúa chín, bước sang tháng 10 thì đồng bào tiến hành thu hoạch.

Đồng bào thu hoạch lúa bằng cách suốt (tuốt) hạt trên thân cây lúa, không cắt cả thân cây. Như vậy, chỉ thu hoạch ngay trên nương rẫy. Khi suốt lúa, người suốt lúa mang trước bụng một giỏ suốt lúa, suốt hạt lúa bỏ vào giỏ đến khi đầy sẽ mang đổ dồn vào gùi chuyển về nhà kho.

– Giới thiệu hiện vật là công cụ sản xuất: Cuốc cỏ, cuốc đất, dao phát bờ, ống đựng hạt giống, giỏ suốt lúa, tỉa lúa…

*  Hoạt động săn bắt của đồng bào các dân tộc:

Săn bắn, săn bắt là một hình thái kinh tế cổ truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam – Đà Nẵng. Săn bắt không những góp phần cải thiện bửa ăn cho từng gia đình, mà còn là hoạt động có tính chất giải trí sau mỗi mùa làm rẫy mệt nhọc, có tác dụng rèn luyện tinh thần thượng võ và đánh đuổi muôn thú để bảo vệ hoa màu.

Giới thiệu đến quý khách sưu tập hiện vật là công cụ săn bắt: Nỏ, dao, ống đựng tên, ná, các loại bẫy chim thú… của đồng bào dân tộc.

*   Y phục, trang sức của đồng bào các dân tộc:

Hạt cườm là một trong những đồ trang sức nổi bật ở đồng bào các dân tộc thiểu số Cơtu, Xơ Đăng; Gié-Triêng, Cor. Cườm đính vào tua đầu dài khố, cườm xâu thành chuỗi, quấn vòng quanh tóc qua trán, quanh cổ tay, cổ chân, quanh thắt lưng và hông đối với phụ nữ. Ngoài trang sức bằng cườm, đồng bào còn có các loại trang sức bằng đồng hay bạc như vòng tay, vòng cổ, hoa tai.

– Trong sinh hoạt hằng ngày đàn ông Cơtu thường đóng khố, mình để trần, những lúc tiết trời lạnh thì choàng lên trên người một tấm choàng (Aduông). Khố mặc hàng ngày là khố dệt thông thường có màu đen, xanh. Đối với trẻ em là nam giới, trang phục giống như người lớn nhưng kích thước nhỏ hơn.

– Trang phục sinh hoạt thường ngày của phụ nữ là mặc váy (hay còn gọi là xà lùng) tiếng Cơtu gọi là Pờ Liêng. Trên thân mình mặc chiếc áo gọi là Adoor – đây là chiếc áo cánh tay, có lỗ để đầu rúc qua. Đối với phụ nữ đã có chồng, thông thường chỉ mặc váy dài, choàng lên phần ngực để trần hoặc chỉ ngang thắt lưng. Đối với trẻ con, mặc váy, áo hoặc váy choàng (quấn) lên trên phần vú, kích thước váy, áo nhỏ hơn người lớn.

* Không gian tái tạo nghề dệt vải của người Cơtu

Người Cơtu trồng bông kéo sợi dệt thành vải. Bông được trồng xen canh trên đất rẫy vào tháng 3 đầu tháng 4, tháng 7 thu hoạch. Bông từ rẫy về được phơi khô rồi dùng một dụng cụ gọi là khung tách hạt bông đề tách hạt làm thành những chùm bông trắng, dùng cung đánh bông, tung bông, đánh bông cho thật mịn, tiếp đến dùng tay xe bông thành từng đoạn dài 20 – 30cm cho vào dàn quay và kéo thành sợi.

Để có những màu sắc thích con mắt, ưng cái bụng, người Cơtu dùng củ, rễ của cây rừng làm thuốc nhuộm; màu vàng thì dùng rể cây Mơ rác, màu đen thì dùng cây Tà râm giã nát, ngâm lâu ngày… Sợi chỉ nhuộm xong đêm phơi khô và tùy theo từng khổ vải muốn dệt mà đưa sợi màu theo thứ tự vào khung dệt. Không chỉ đơn thuần là việc kết hợp các sợi chỉ màu theo kết cấu ngang, dọc để tạo trên nền vải với những khoảng màu, những mô típ hình thể mà cái độc đáo mang tính riêng biệt đậm chất hồn Cơtu chính là sử dụng hạt cườm nhựa trắng mà xưa kia là hạt cây rừng rồi đến hạt chì để luồn vào từng sợi chỉ tạo thành hoa văn ngay trong lúc dệt với nhiều hình thù khác nhau. Nghề dệt thổ cẩm của người Cơtu Quảng Nam được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2014.

*  Nghề đan:

Nghề đan lát rất phổ biến trong mọi gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam, Đà Nẵng. Nghề đan lát chủ yếu sản xuất những đồ dùng trong sinh hoạt gia đình như gùi đựng lúa, gùi đi nương, giỏ, nong, nia…, công việc đan lát thường do người đàn ông đảm nhận từ khâu chặt, chẻ, vót nguyên liệu mây, tre, nứa cho đến khi thành phẩm. Hiện nay, đồng bào vẫn duy trì nghề thủ công đan lát của mình. Những sản phẩm làm ra chủ yếu đáp ứng nhu cầu sinh hoạt gia đình. Trong tất cả các đồ dùng sinh hoạt của đồng bào các dân tộc, chiếc gùi trên vai phụ  nữ là hình ảnh thân thiết, gần gũi, sinh động và gắn bó với người phụ nữ.

* Văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc:

– Người Cơtu nướng cơm trong các ống lồ ô hay còn gọi là cơm lam, đây là món ăn truyền thống hấp dẫn.

– Loòng boong là tiếng gọi thông thường của người Kinh, người Cơtu gọi là Tà – Bon. Cây Loòng boong có hoa vào cuối mùa hè và chín vào đầu mùa đông, cây có  nhiều ở vùng Tây Đại Lộc, Tây Tiên Phước và đặc biệt ở vùng đồng bào Cơtu có nhiều ở các xã Ma cooih, Arooi (Tây Giang), Thành Mỹ, Cà Dy, TaBhing (Nam Giang).

– Món cá chua: Các loại cá bắt được ở sông, suối, người Cơtu cũng tiến hành chế biến thành những món ăn. Đặc biệt là món cá chua là món ăn không thể thiếu trong các ngày lễ tết, lễ ăn lúa trăm, tết mùng năm.

* Cách ăn, uống, hút của người Cơtu , Xơ Đăng, Gié – Triêng, Co.

Tập tục ăn trầu và hút thuốc lá cũng được phổ biến ở cư dân miền núi Quảng Nam, Đà Nẵng. Trầu cau, thuốc lá do cư dân địa phương trồng, còn vôi do miền xuôi đưa lên, hoặc dùng vỏ ốc ở suối phơi khô đập nát làm vôi. Tục ăn câu trầu chỉ có ở những người lớn tuổi. Còn tục hút thuốc thì hầu như phổ biến cả hai giới (nam, nữ) và mọi lúa tuổi. Người Xơ Đăng có  tục ăn thuốc, thuốc khô giã thành bột.

Thuốc lá đồng bào trồng tại chỗ, hoặc trên nương rẫy, khi lá già có màu vàng, họ hái về phơi khô, xâu thành từng chuỗi để dành hút dần. Đa số họ đều hút thuốc bằng tẩu. Tẩu thuốc ở đây có nhiều loại. Loại làm bằng gỗ, loại làm bằng ống lồ ô, ống nứa… Trầu, cau, thuốc lá được cư dân địa phương dùng làm phương tiện thết đãi khách, bạn bè, với sự trân trọng như người Kinh “Miếng trầu là đầu câu chuyện”.

*   Cuộc sống thường ngày của đồng bào các dân tộc:

Tổ chức xã hội duy nhất và đơn giản nhất là đơn vị làng (người Cơtu gọi là Vêêl, Bươl…, người Xơ Đăng, Co, Gié – Triêng gọi là Plây…). Mỗi làng có từ từ 40 đến 70 gia đình (nóc nhà, bếp), có một ranh giới được phân định bằng con suối, cánh rừng, tảng đá, đỉnh núi… Ở mỗi làng có một nguồn nước chung, khu nghĩa địa, vùng núi rừng săn bắn, những vùng đất canh tác mà các thành viên trong làng có quyền khai phá và khẳng định quyền chiếm hữu ban đầu để tiến hành sản xuất; có ngôi nhà hội họp chung cho cả làng, nơi tiến hành các lễ nghi, tín ngưỡng, nơi vui chơi, giải trí… (người Cơtu gọi là Gươl, người Xơ Đăng gọi là nhà Rông, người Gié – Triêng gọi là nhà Ưng, người Cor gọi là Kot). Mỗi làng có một chủ làng, có một hội đồng già làng là những người chủ các gia đình giúp việc cho chủ làng; có một người chuyên lo công việc quân sự (chiến đấu chống kẻ thù – phòng thủ của làng); có một người chuyên lo tín ngưỡng, lễ nghi (thầy cúng). Ý thức của từng cá nhân, từng gia đình hoàn toàn lệ thuộc vào ý chí chung của cả làng, đại diện là người chủ làng và những người già làng.

* Nhà Gươl Cơtu:

Gươl là nhà sinh hoạt chung của cộng đồng làng, nơi diễn ra các lễ nghi tín ngưỡng của làng, nơi cất giữ của cải chung của làng, nơi ngủ của đàn ông, con trai chưa vợ, nơi diễn ra những sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian. Nhà Gươl được xây dựng ở giữa làng, là ngôi nhà có sàn rộng nhất, mái cao nhất, được trang trí điêu khắc công phu nhất. Phần mái hình mu rùa, lợp tranh hoạch lá cọ, sàn tre đan thành tấm, hoặc tấm ván gỗ, phần sườn nhà thường bằng cây gỗ tốt. Vách nhà gươl được làm bằng phên tre, ván gỗ.

Người Cơtu có quan niệm, nhà Gươl xây dựng càng to, lớn với nhiều tượng điêu khắc gỗ, hoa văn trang trí, đây là niềm vinh dự thiêng liêng của làng. Dựng nhà Gươl cả làng đều có trách nhiệm góp công, góp sức để làm. Có những nhà Gươl phải chuẩn bị vật liệu hàng 5 – 7 năm và tiến hành dựng nhà mất hết nhiều tháng. Do vật liệu được chọn lọc loại tre, nứa, gỗ… tốt nên nhà Gươl có thời gian sử dụng 30 – 50 năm.

*  Nghệ thuật trình diễn, nhạc cụ dân tộc và sinh hoạt lễ hội (Nghệ thuật Tuồng – các nhạc cụ, điệu múa Tung tung – da dá, các loại nhạc cụ của đồng bào các dân tộc)

+ Nghệ thuật Tuồng:

Tuồng còn gọi là hát bội (hay hát bộ) là một loại hình văn nghệ trình diễn cổ truyền ở Việt Nam. Đào Duy Từ được xem là Ông tổ, người có công đặt nền móng xây dựng nghệ thuật Tuồng bắt đầu trong thời gian ông làm việc ở phủ chúa Nguyễn. Từ đây nghệ thuật Tuồng phát triển ra các vùng khác ở Đàng Trong; trong đó Quảng Nam là một trong 3 vùng có bộ môn nghệ thuật Tuồng giữ được tinh hoa truyền thống và có phong trào phát triển mạnh mẽ.

Năm 2015, Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hiện nay ở Đà Nẵng, nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh là đơn vị biểu diễn nghệ thuật tuồng chuyên nghiệp, tạo được phong cách riêng, kế thừa cái đẹp truyền thống và có những cải biến để phù hợp với thị hiếu khán giả.

Trong phần trưng bày này, Bảo tàng cũng giới thiệu một số nhạc cụ sử dụng trong loại hình nghệ thuật tuồng.

+ Bài chòi

Bài Chòi là trò chơi, trò diễn xướng dân gian độc đáo mang phong vị làng quê, đậm chất văn hóa nông nghiệp ở các làng quê miền Trung nói chung và Quảng Nam – Đà Nẵng nói riêng. Trong nhiều thế kỷ qua, nghệ thuật Bài Chòi đã dần trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân duyên hải miền Trung trong những dịp sinh hoạt cộng đồng. Năm 2014, nghệ thuật hô, hát bài chòi ở Quảng Nam được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, năm 2016, nghệ thuật hô, hát bài chòi ở Đà Nẵng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, góp phần để UNESCO ghi danh nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2017.

+ Múa Tân’ tung Da’ dá:, các loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc

– Múa Tung tung – Da dá:

Múa Tân’ tung Da’ dá của người Cơtu Quảng Nam được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2014. Da’ dá là tên điệu múa dành cho phụ nữ và Tân’ tung là tên điệu múa dành cho nam giới Cơtu. Cho đến nay, có nhiều cách giải thích về nguồn gốc và ý nghĩa của hai điệu múa này: Da’dá là điệu múa thiêng, điệu múa cầu mùa với đôi bàn tay của người phụ nữ xoè lên trời cầu và đón nhận sinh khí và hạt lúa của thần linh trên trời; Da’ dá là điệu múa cầu mùa với động tác múa của người đàn bà mô phỏng hình cột lễ là biểu tượng cho thần lúa – mẹ lúa; điệu múa Tân’ tung tái hiện cảnh đi săn thú; là điệu múa mừng chiến thắng thể hiện tinh thần thượng võ của người Cơtu.

– Các loại nhạc cụ tiêu biểu của đồng bào: Ở người Xơ Đăng, người Ca Dong phổ biến hai loại đàn Gòn đàn Rót. Người Cơtu có Đàn Abel, tù và, các loại sáo…

* Sinh hoạt làng bản: Không gian văn hóa lễ hội

– Cột tế – dân tộc Cơtu:

Cùng với nhà Gươl Cơtu, nhà Rông Xơ Đăng, nhà Ưng Gíe – Triêng, cột tế là trung tâm tín ngưỡng của mỗi làng. Nằm ở chính tâm của làng, là nơi buộc con trâu tế thần linh, cột tế chính là biểu tượng cho cái trục vũ trụ ở trung tâm thế giới. Đó cũng là vật nối đất với trời, nối con người với thần linh. Với ý nghĩa sâu xa đó, cột tế được điêu khắc, trang trí với nhiều mô típ thể hiện các cặp biểu tượng âm dương tiêu biểu cho vũ trụ như: mặt trời – mặt trăng, chim, rắn, chày, cối, vuông tròn…

  Lễ hội đâm trâu – Dân tộc Cơtu:

Các lễ hội có đâm trâu thường là lễ hội Cha Poih ( mừng vụ mùa kết thúc, bắt đầu cho một vụ mùa mới); lễ hội mừng dựng làng mới, dựng nhà Gươl ( nơi sinh hoạt chung của cả cộng đồng); mừng được mùa; cầu mùa; lễ hội kết nghĩa (pơ ngót); mừng chiến thắng. Cũng có lễ hội đâm trâu do một gia đình trong làng tổ chức nhân một sự kiện quan trọng, hiếm có của gia đình. Dù lễ hội của làng hay gia đình thì lễ hội đâm trâu được tổ chức ở sân làng, trước mặt nhà Gươl, toàn thể dân làng tham gia và một số khách đại diện của làng cận cư, có quan hệ thân thiết cũng đến tham dự.

Lễ hội đâm trâu không chỉ là dịp để dân làng ăn thịt trâu, uống rượu no say mà đây còn là dịp để dân làng thể hiện các sinh hoạt văn nghệ dân gian, các tín ngưỡng, các tập quán về cộng đồng, làng, bản, gia đình, xã hội và cũng là dịp để phô trương sự giàu có của làng, là dịp thể hiện cái đẹp qua trang phục, trang sức của nam, nữ Cơtu. Tuy nhiên, hiện nay nhiều làng Cơtu đã không còn duy trì lễ hội đâm trâu nữa.

* Tín ngưỡng và một số tập tục của đồng bào các dân tộc

– Quan tài hình đầu trâu – dân tộc Cơtu

Quan tài Cơ Tu làm bằng thân cây gỗ tốt, có hai đầu mang hình đầu trâu (hiện chỉ còn thấy ở ngưòi Cơ Tu vùng cao) hoặc mang cả đầu trâu và đầu chim. Trong một số trường hợp đầu trâu được thay thế bằng đầu mang (hươu), nai, sao la, còn đầu chim được thay thế bằng đầu gà.

Cho tới nay, có nhiều cách giải thích khác nhau về hai dạng quan tài hình trâu và hình chim này: trâu và gà là hai con vật thiêng bảo vệ và dẫn đường cho hồn người chết; là hai hiện thân của hồn người chết; là hai con vật cần thiết nhất cho người chết ở thế giới bên kia…Từ quan niệm đó, việc cúng trâu, gà trong đám ma, việc điêu khắc hình sừng trâu, chim trên các nhà mồ, cột mồ là những phong tục khá phổ biến ở nhiều tộc người Quảng Nam, Đà Nẵng.

– Nhà mồ ( Ping)

Nhà mồ của người Cơtu được dựng ở khu nghĩa địa chung của làng hay dòng họ nằm ở khu rừng phía Tây của làng. Nhà mồ Cơtu gồm có hai phần; phần huyệt đào xuống đất là nơi đặt quan tài (nếu đã cải táng ) và phần nhà phía trên, không có vách chung quanh. Sườn nhà mồ bằng gỗ, có hai mái hình vuông hay hình chữ nhật làm bằng ống tre, nứa lợp âm dương hoặc cây, lá rừng, có nơi làm

Nhà mồ Cơtu thể hiện khá rõ quan niệm của cư dân Đông Nam Á xưa, coi ngô nhà là một vũ trụ hai bên, 3 tầng – 3 thế giới. Hai bên là Đông – Tây. Phía Đông gắn với mặt trời, sự sống, người đàn bà – chim/gà; phía Tây gắn với mặt trăng, cái chết, người đàn ông, trâu. Mái là thế giới bên trên, nơi của tổ tiên thần linh, được trang trí tượng gỗ đầu trâu, đầu chim, đầu gà, chạy dọc trên đỉnh mái trang trí điêu khắc gỗ hình răng cưa hoặc hình con rắn. Sàn lững giữa quan tài và mái, là thế giới giữa của con người, nơi tái hiện cảnh 6 người trong đám ma: 4 đàn ông đứng đánh trống, thổi khèn, đánh chiêng, hút thuốc, 2 người đàn bà ngồi bó gối – chống cằm, khóc. Bốn góc 4 con gà. Dưới cùng là thế giới bên dưới của người chết, nơi đặt quan tài. Theo truyền thống, người Cơ Tu chỉ điêu khắc, trang trí quan tài và nhà mồ người chết đã làm lễ cải táng.

– Tượng cổng làng của người Xơ đăng

Trong quan niệm của đồng bào các dân tộc thiếu số Cơtu, Xơ Đăng, Gié – Triêng, Co, cho rằng thế giới xung quanh con người đang sống có thần linh, ma quỷ. Thần linh thì giúp đỡ con người còn ma quỷ thì tìm cách hại con người và như vậy con người cần phải tìm cách chống lại ma quỷ. Tượng cổng làng là một vật làm phép để ngăn chặn ma quỷ vào làng gây tai hoạ cho dân làng. Tượng cổng làng là một vũ khí thay con người ngăn cản điều xấu đến với làng, theo dõi mọi hoạt động của dân làng khi ra vào làng.

Tượng đựơc làm bằng gốc cây dớn, họ cây dương xỉ có nhiều ở rừng núi nơi người Xơ Đăng cư trú. Bằng kỹ thuật chế tác rất sơ khai với công cụ rìu, rựa gọt đẽo đơn giản, đồng bào làm nên những tượng cổng làng, ngoài mục đích theo quan niệm tâm linh còn là một tác phẩm nghệ thuật. Tượng có đầu và thân như con người, nhưng đường nét rất hoang dã, cách điệu. Tượng được đặt ở cổng làng và hiện nay, tượng cổng làng chỉ còn tìm thấy ở các xã vùng cao huyện Nam Trà My (Quảng Nam).

 – Mặt nạ dân tộc Cơtu:

Theo phong tục của người Cơtu xưa, trong các điệu múa gắn với lễ cải mả hay các nghi lễ cầu mùa, cầu may, mặt nạ là một phương tiện để tổ tiên, thần linh trở về với người đang sống. Mặt nạ Cơtu được trang trí tô màu, được bảo quản cẩn trọng với các dạng khác nhau tạo ra cảm giác vừa kính, vừa sợ, vừa vui thú. Được cất giữ cẩn thận ở nhà Gươl, nơi trú ngụ của hồn tổ tiên, thần linh, các mặt nạ đó được coi là vật thiên để đuổi kẻ thù, ma, quỉ.

Mặt nạ làm từ chất liệu gỗ, đẽo gọt từ một khúc gỗ, nguyên trước kia mặt nạ này dùng trong giao chiến (đâm chém giặc), về sau việc mang mặt nạ trong lúc làm lễ ăn mừng chiến thắng được người Cơtu cho là đẹp và phần nào nó cũng là “vũ khí” để giao chiến. Chính vì vậy, mặt nạ từ chỗ chỉ là vật cản, không cho kẻ thù thấy được mặt thật của mình dần dần chuyển sang trong hội lễ theo hình thức như là trang sức.

*  Giới thiệu Cây đàn nước của người Xơ đăng

Đàn nước là một nhạc cụ dân tộc độc đáo của người Xơ Đăng. Đàn nước Xơ Đăng được làm bằng cây gỗ rừng, chất liệu để chế tác đàn nước được chọn lựa từ những thân cây già không bị nứt nẻ, không bị sâu đục thân như tre, nứa, le, mây và các loại thân cây.

Kết cấu của giàn đàn nước Xơ Đăng gồm bốn giàn kéo ngang. Trên bốn giàn kéo này người ta dùng dây đính vào để buộc 50 thanh gỗ, 50 ống nứa với 10 cỡ từ nhỏ đến lớn.  Trên mỗi ống nứa đều có vét khoét, gọt với đủ hình dáng. Đây là lỗ thoát âm và nơi tạo ra những tiếng nhạc trầm bổng. Khơi lực toàn bộ giây mang thanh gõ để đập vào ống nứa phát ra tiếng nhạc là một máng nước đính chặc vào bốn giàn kéo. Nhờ sức chảy của dòng nước rót vào máng mà máng lây động kéo theo cả bốn giàn cây làm lay thanh gõ. Nước cứ rót vào máng thì tiếng nhạc cứ nhìu nhau vang lên nghe như tiếng nước suối vỗ triền đá hoặc len mình qua những kẽ rêu… rõc rách róc rách, ở âm vực trung cao như có tiếng cồng chiêng của ngày hội được mùa.

Một giàn đàn nước hoàn chỉnh, thể hiện nhiều làn điệu âm thanh có thể lên đến 120 ống tre, nứa và dài từ 30 – 40 m. Là một nhạc cụ gắn bó chặt chẽ với đời sống của đồng bào nhằm tăng thêm niềm vui cho làng, bản, núi rừng, giải tỏa những nặng nhọc của công việc nương rẫy. Bên cạnh đó người dân Xơ Đăng còn biết dùng âm thanh của đàn nước để xua đuổi chim muông, thú rừng cắn phá hoa màu, phá hoại mùa màng./.

Bài thuyết minh bảo tàng Đà Nẵng (CV số 2271/SDL-QLLH): 2271.signed

[wptab name=”Xem bản đồ”]

[/wptab]

[end_wptabset]

You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2023
close-link
​​​