Đài Tưởng niệm thành phố Đà Nẵng là nơi ghi danh những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến vĩ đại của dân tộc. Nơi đây thường là điểm dừng chân của những du khách đến Đà Nẵng trên lộ trình tìm về văn hóa, lịch sử của vùng đất này.
NƠI TƯỞNG NHỚ CÔNG ƠN CỦA LỚP NGƯỜI ĐI TRƯỚC
Đất nước ta – Một đất nước mà trong suốt chiều dài lịch sử luôn gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đã chứng kiến cả một lớp người sẵn sàng hy sinh cái riêng của bản thân để vì cái chung của dân tộc.
Trong giai đoạn trường kỳ kháng chiến đó, người trước nằm xuống, người sau lại đứng lên, đã có không biết bao nhiêu người dân Việt Nam đã ngã xuống trên đất này. Xương máu đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương suốt từ Nam chí Bắc.
NƠI THẾ HỆ SAU TỎ LÒNG GHI NHỚ CÔNG ƠN CỦA LỚP NGƯỜI ĐI TRƯỚC
Nền hòa bình hôm nay chính là sự đánh đổi, hy sinh của cả một thế hệ. Cùng chung truyền thống ấy, trên mảnh đất anh hùng Đà Nẵng – nơi sản sinh những người con anh dũng, kiên trung – đã xây dựng 27 nghĩa trang và đài tưởng niệm, trong đó Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ thành phố là một trong những công trình tiêu biểu.
Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ của thành phố vốn quen thuộc với người dân Đà Nẵng qua tên gọi Tượng đài 2/9.
Khi đến du lịch Đà Nẵng, có lẽ đài tưởng niệm Anh hung Liệt sỹ thành phố hay còn có tên gọi là Tượng đài 2-9 có thể là công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch sử mà bạn nên dừng chân đến. Không chỉ kiến trúc đẹp, giàu nhân văn, khi được cúi mình thắp nén nhang lên đài cũng là cách người Việt gửi lòng biết ơn đến thế hệ đi trước.
Kiến trúc tượng Đài 2-9 Đà Nẵng
Tượng đài 2/9 nằm trân một địa thế đẹp. Sau lưng là dòng sông Hàn thơ mộng chảy qua tạo nên một không gian thoáng mát, yên tĩnh và trang nghiêm. Phía trước là con đường dài mang tên 2/9 – Cột mốc chói lọi của dân tộc Việt Nam. Không gian phía trước Tượng đài rất rộng, thường diễn ra các sự kiện lớn của thành phố.
Tượng đài 2-9 là sự tổng hòa ý tưởng của kiến trúc sư Phạm Sỹ Chức và nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng cùng với cố họa sỹ, nhà điêu khắc Đỗ Toàn. Tượng đài có bố cục chính gồm ba cánh tạo thành chân vạc chụm lại và đẩy lên cao tạo thế đứng vững chắc, sừng sững giữa đất trời.
Điểm sáng tạo trong kiến trúc và thiết kế của công trình không chỉ thể hiện qua những đường nét của phần chân và thân tượng mà còn ở cấu trúc lồng ghép chức năng của phần chân đế. Dưới khối kiến trúc cao vút của tượng, một không gian trang nghiêm được xây dựng là nơi đặt lư hương, vòng hoa và tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.
Khu trung tâm, trên mặt trần hình chóp nón, hình ảnh những người lính cầm súng, hy sinh thân mình vì đất nước được tạo hình bởi hàng trăm nghìn những mảnh sành sứ vô cùng độc đáo.
Dòng chữ “Tổ quốc ghi công” được đặt dọc chính giữa thân đài tạo nên sự trang trọng, bề thế cho công trình đồng thời thể hiện sự biết ơn sâu sắc đến các thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, mang lại nền hòa bình, độc lập cho dân tộc.
Tháng 8/2024, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ khánh thành công trình Nâng cấp, tôn tạo Đài Tưởng niệm thành phố và cải tạo, mở rộng Quảng trường 29/3.
Dự án nâng cấp, tôn tạo Đài tưởng niệm thành phố và cải tạo, mở rộng Quảng trường 29-3 có tổng mức đầu tư hơn 212 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố và xã hội hóa; được khởi công từ năm 2022 và phân theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 nâng cấp Đài tưởng niệm thành phố, làm mới bức phù điêu, cải tạo cảnh quan, sân nền, hệ thống điện chiếu sáng. Giai đoạn 2 thi công hạ tầng kỹ thuật cảnh quan xung quanh Đài tưởng niệm và hạng mục quảng trường với điểm nhấn là sàn phun nước nghệ thuật.
Công trình là tấm lòng của người dân, chiến sĩ và cán bộ thành phố nhằm ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong công cuộc chiến đấu, xây dựng và bảo vệ thành phố.
TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH TP. ĐÀ NẴNG