Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổ chức Du lịch Thế giới (World Tourism Organization – UNWTO), Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch và Thể thao vào ngày 24/9/2016 tại khách sạn Novotel, thành phố Đà Nẵng.
Đây là một sự kiện quan trọng trong chương trình hoạt động năm 2016 của UNWTO do Việt Nam đăng cai tổ chức nhân dịp Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á (ABG5). Tham dự Hội nghị có Ông Tổng Thư ký và quan chức cấp cao của UNWTO, Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và khoảng 300 đại biểu là Lãnh đạo cơ quan du lịch quốc gia, quan chức thể thao các nước, các hiệp hội du lịch và thể thao, doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không, cơ sở đào tạo, các nhà đầu tư trong và ngoài khu vực; với các diễn giả từ Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.
Hội nghị sẽ tập trung trao đổi, thảo luận 3 nội dung lớn (1) Xu hướng phát triển của du lịch gắn với các hoạt động thể thao, mối quan hệ tương hỗ giữa du lịch và thể thao cũng như đóng góp của du lịch và thể thao cho sự phát triển bền vững; (2) Quan điểm, cách tiếp cận và kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch thể thao; (3) Quảng bá sản phẩm du lịch thể thao thời gian qua bao gồm sản phẩm du lịch golf, du lịch mạo hiểm, leo núi, du lịch biển… kinh nghiệm từ Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam…
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban-Ki-Moon (năm 2011) đã nhấn mạnh du lịch thể thao có tiềm năng trở thành công cụ đầy quyền năng để phát triển và tăng trưởng. Loại hình du lịch thể thao đang mang lại cho các điểm đến những cơ hội to lớn. Khái niệm du lịch thể thao bao hàm tất cả các hoạt động tham gia vào các loại hình thể thao từ những việc đơn giản hàng ngày như câu cá hay những chương trình, khóa huấn luyện phức tạp, có tổ chức, kết hợp với du lịch hay tham quan một địa điểm có liên quan đến một môn thể thao, một sự kiện thể thao hay một huyền thoại thể thao đến những sự kiện toàn cầu đã, đang và sẽ diễn ra ở khắp mọi nơi với đông đảo người tham gia như các Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup), Thế Vận hội (Olympic Games) hay gần nhất là Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á (ABG5) sắp tới diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.
Vai trò, vị trí và mối quan hệ tương hỗ giữa lĩnh vực du lịch và thể thao có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với nhiều quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Du lịch – ngành kinh tế đã và đang không ngừng lớn mạnh, trở thành lĩnh vực dẫn đầu thế giới với dấu mốc tăng trưởng liên tục 6 năm trong đó 4 năm liền đạt hơn một tỷ lượt khách đi du lịch quốc tế và con số này không ngừng tăng lên; đóng góp khoảng 10% vào GDP thế giới, 6% tổng xuất khẩu toàn cầu [1]. Nếu du lịch là ngành công nghiệp không khói dẫn đầu thì thể thao lại được nhìn nhận là ngành giải trí số 1 thế giới. Ngành công nghiệp thể thao toàn cầu đang có sự phát triển nhanh hơn so với các ngành khác. Cả mức đóng góp vào GDP và tốc độ tăng trưởng đang duy trì ở mức cao và cho thấy một một tương lai khả quan[2]. Bên cạnh việc khai thác tích cực các sự kiện thể thao tại điểm đến việc khai thác những yếu tố khác đi kèm để đưa vào các sản phẩm du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với du khách. Đây là động lực mạnh mẽ thôi thúc du khách lựa chọn tham gia và tận hưởng chuyến đi của mình, đặc biệt là nhóm du khách yêu thích hoạt động thể lực. Sự kết hợp giữa du lịch và thể thao là hoàn hảo, được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ tạo động lực bứt phá cho nhiều quốc gia trên con đường đạt được các mục tiêu về kinh tế, xã hội, cùng sự phát triển bền vững.
Các hoạt động của du lịch thể thao không có biên giới, không bị hạn chế bởi bất kì yếu tố nào như văn hóa, giới tính, địa vị xã hội. Thị trường dành cho du lịch thể thao cũng vậy, có thể là mọi đối tượng trong xã hội. Bất kể khách du lịch quyết định tham gia vào hoạt động du lịch nào, họ cũng đề cao nhu cầu trải nghiệm mới, nâng cao kì vọng và chất lượng về chuyến đi của bản thân. Điều này tạo nên cơ hội lớn cho các điểm đến. Với nhu cầu và động lực đa dạng đó, trong tương lai, chắc chắn hầu hết các điểm du lịch (ở tất cả các giai đoạn phát triển: đã phát triển, đang phát triển và mới phát triển) đều nhận ra tài nguyên thích hợp để khai thác du lịch thể thao.
“Du lịch thể thao mang lại giá trị lớn hơn việc đăng cai những sự kiện lớn”. Lợi ích từ du lịch thể thao lan tỏa rộng hơn: gia tăng nhận diện thương hiệu quốc gia, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, có được sự công nhận của các vận động viên tham gia sự kiện, công dân thành phố năng động hơn, và nhiều lợi ích khác nữa.
Hội nghị sẽ kết thúc với việc thông qua Tuyên bố Đà Nẵng về du lịch và thể thao vì sự phát triển bền vững, là một văn kiện chính thức của UNWTO hướng tới thu hút sự quan tâm của các chính phủ, các điểm đến và cộng đồng doanh nghiệp trong việc tạo chính sách, thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển du lịch và thể thao vì lợi ích của người dân, cộng đồng và sự phát triển bền vững.
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) là cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc, có trụ sở đặt tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha với 150 thành viên chính thức và trên 350 thành viên chi nhánh. Du lịch Việt Nam trở thành thành viên chính thức từ năm 1981 và thuộc Ủy ban Đông Á-Thái Bình Dương. Việt Nam luôn tích cực tham gia các hoạt động chung quan trọng của tổ chức, tranh thủ hỗ trợ của UNWTO về kỹ thuật, đào tạo nhân lực, khai thác thư viện điện tử cũng như cung cấp thông tin, số liệu thống kê về Du lịch Việt Nam. Việt Nam đã đăng cai thành công một số sự kiện của UNWTO như Hội nghị quốc tế về Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững (Ninh Bình, 2013) và Phiên họp Ủy ban châu Á-Thái Bình Dương (Hà Nội, 2010)./.
[1] UNWTO annual Report 2015
[2] AT Kearney, The sport market, (2011)