Sức hút du lịch từ Cây di sản

0 137

Có tuổi thọ ngàn năm, cây đa Sơn Trà được xem là thực thể sống động và đặc trưng của khu rừng già Sơn Trà. Mới đây, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam công nhận cây đa Sơn Trà là “Cây di sản”đã góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo tồn thiên nhiên cũng như đánh thức tiềm năng du lịch tại bán đảo Sơn Trà.

Đưa du khách đến với Cây di sản

Nằm phía đông nam bán đảo Sơn Trà, cây đa Sơn Trà được đánh giá là một trong những cây cổ thụ lớn nhất tại đây. Cây đa này có chu vi thân 10m, 26 rễ phụ, mỗi rễ cao khoảng 25m, mọc tại tiểu khu 63 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Sở dĩ cây đa Sơn Trà được công nhận là Cây di sản vì theo nghiên cứu của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng, cây đa này đã đáp ứng đầy đủ những yêu cầu khắt khe về nhiều mặt như lịch sử, quá trình sinh trưởng, văn hóa, du lịch…

Đây là Cây di sản đầu tiên ở Đà Nẵng có ý nghĩa trong việc nâng cao giá trị của khu rừng già Sơn Trà cũng như tạo nên một quần thể thiên nhiên sinh động cho việc bảo tồn và phát triển thảm thực vật nơi đây. “Việc công nhận cây đa Sơn Trà là Cây di sản Việt Nam nhằm mục đích quảng bá sự phong phú và đa dạng của hệ thực vật ở Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà cũng như nâng cao ý thức của cộng đồng khi đến tham quan, du lịch tại đây”, ông Lê Văn Nhì, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn cho hay.

Không chỉ có giá trị về mặt bảo tồn thiên nhiên, cây đa Sơn Trà còn được xem là điểm tham quan thu hút nhiều du khách khi đến thăm khu rừng già Sơn Trà, nhất là các tour du lịch mạo hiểm và du lịch sinh thái. Đại diện các công ty lữ hành cho biết, trước đây đã đưa nhiều điểm đến ở bán đảo Sơn Trà vào các tour du lịch, thế nhưng cơ sở vật chất cũng như công tác tuyên truyền, quảng bá còn hạn chế nên nhiều công ty vẫn chưa mặn mà giới thiệu cho du khách. Nhiều nhà làm du lịch nhận định, việc công nhận cây đa Sơn Trà là Cây di sản sẽ góp phần nâng cao hình ảnh du lịch tại bán đảo Sơn Trà cũng như kích thích sự tò mò của nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.

Tuy nhiên, để Cây di sản đến với nhiều du khách hơn, việc cần thiết nhất là cần phải nâng cao công tác tuyên truyền, quảng bá, làm phóng sự để đưa điểm đến này trở thành điểm sáng trong các chương trình tour về với bán đảo Sơn Trà. Ngoài ra, việc đầu tư nâng cấp các trạm dừng chân, xây dựng nhà vệ sinh, các trạm trung chuyển dọc đường… cũng là điều mà ngành du lịch thành phố cần phải tính đến khi đưa Cây di sản vào khai thác du lịch.

“Lữ hành bao giờ cũng muốn đưa nhiều du khách đến với bán đảo Sơn Trà để đánh thức tiềm năng khu rừng già này. Việc công nhận cây đa di sản sẽ giúp lữ hành dễ thuyết phục du khách khi giới thiệu tour về với Sơn Trà. Tuy nhiên để tour này được khai thác tốt cần đầu tư cơ sở vật chất cũng như kết nối với các điểm đến ở Sơn Trà như Khu du lịch Trường Mai, nhà Vọng Cảnh, đỉnh Bàn Cờ… trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch tiềm năng như trekking, team building, du lịch sinh thái”, chị Nguyễn Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Khối thị trường trong nước, Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) đề xuất.

Vừa khai thác vừa bảo tồn

Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (BQL) cho hay, thời gian qua, ngoài một số tour dành cho khách đoàn trong và ngoài nước với mục đích du lịch thì cây đa Sơn Trà còn thu hút các nhà nghiên cứu môi trường ở nước ngoài, sinh viên ngành Sinh – Môi trường đến đây để học tập, tìm hiểu về thiên nhiên.

Vì vậy, ngoài mục đích phát triển du lịch, việc khai thác cây đa Sơn Trà cần gắn với công tác bảo tồn để giữ vững giá trị của một “Cây di sản” sinh trưởng và phát triển bền vững trong tương lai. Theo các nhà chuyên môn, quần thể họ đa trên bán đảo Sơn Trà là một trong những loại thức ăn quan trọng của loài voọc chà vá chân nâu. Nếu bảo tồn tốt, cây đa Sơn Trà này sẽ là nơi để loài linh trưởng quý hiếm này di chuyển và tìm thức ăn nhằm bảo vệ môi trường sinh thái.

Đại diện các hãng lữ hành cho hay, trong hầu hết các tour tham quan bán đảo Sơn Trà hiện nay, du khách đều muốn thực hiện các chuyến đi bộ xuyên rừng, xe đạp leo núi để thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của khu rừng già chứ không muốn ngồi ô-tô “cưỡi ngựa xem hoa”. Phần lớn những chuyến đi này đều mang tính tự phát vì vậy xảy ra không ít tình trạng du khách đục, khắc bừa bãi lên thân cây mà không có cơ quan chức năng đứng ra xử lý nhắc nhở, quản lý. Nhất là những ngày cuối tuần và ngày lễ, nhiều bạn trẻ và du khách đã đem đồ ăn, thức uống đến khu vực quanh Cây di sản để vui chơi, giải trí làm xấu đi hình ảnh của điểm du lịch hấp dẫn này.

“Việc khắc, đục lên thân cây đã ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ cũng như quá trình sinh trưởng của cây đa Sơn Trà. Vì vậy thiết nghĩ khi đưa vào khai thác du lịch, chúng ta cũng cần phải tính đến phương án bảo tồn hiệu quả tài nguyên quý giá này”, ông Nhì nói.

Hoàng Hân

You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

​​​