Quy hoạch Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng – cơ hội mới cho du lịch thành phố

0 448

Sáng ngày 10/10/2015, Bộ Giao thông vận tải và UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức lễ công bố Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, đến năm 2020, sân bay có công suất 11-13 triệu hành khách/năm, 50.000 tấn hàng hoá/năm, với 22 vị trí đỗ tàu bay. Loại máy bay khai thác là B747, B777, B787, A320, A321, A350 và tương đương. Định hướng quy hoạch đến năm 2030 sẽ tiếp tục nâng cấp, cải tạo, xây dựng nhiều công trình như: đường lăn, sân đỗ tàu bay, nhà ga hành khách, hàng hóa, bảo dưỡng tàu bay, trạm xe ngoại trường, tập kết, sửa chữa bảo trì trang thiết bị mặt đất, kiểm định, chế biến thức ăn… và các công trình hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải… để đáp ứng nhu cầu vận tải đảm bảo chất lượng vận tải và dịch vụ được nâng cao.

(Nguồn ảnh: vietnamairport.vn)

 

Phát biểu tại buổi lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết, hệ thống sân bay Việt Nam có 21 sân bay, ngoài sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài thì sân bay Đà Nẵng là sân bay có tốc độ phát triển nhanh nhất ở miền Trung.

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cảng hàng không lớn nhất khu vực miền Trung, đóng vai trò quan trọng nhất trong hệ thống mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc, là trung tâm trung chuyển hành khách, hàng hoá và là cửa ngõ giao lưu với quốc tế bằng đường hàng không lớn nhất khu vực miền Trung.

Năm 2014, Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt 4.944.517 lượt hành khách, tương ứng tốc độ tăng trưởng 15,6%. Trong 8 tháng đầu năm 2015, mặc dù tình hình kinh tế trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng sản lượng hành khách, hàng hóa thông qua Hàng không quốc tế Đà Nẵng vẫn tăng trưởng cao, đạt 4.498.052 lượt hành khách và 10.380 tấn hàng hóa, tương ứng tăng trưởng 32,8% về hành khách và 0,4% về hàng hóa so với cùng kỳ năm 2014.

Đà Nẵng là đầu mối giao thông của cả miền Trung và Tây Nguyên, với sân bay quốc tế lớn thứ ba trong cả nước, cảng nước sâu là cảng hàng hóa kết hợp du lịch, ga đường sắt nối Bắc – Nam. Với sự hợp tác giữa ngành hàng không và du lịch, sân bay Đà Nẵng thường tiếp nhận các chuyến bay thuê bao đưa khách quốc tế đến tham quan và nghỉ ngơi tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, năm 2017, Việt Nam là nước chủ nhà luân phiên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC 2017) và Đà Nẵng được chọn là nơi đăng cai “Tuần lễ cấp cao APEC 2017”. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, là cơ hội thay đổi Đà Nẵng nói chung và ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng một cách ngoạn mục. Cùng với sự phát triển lớn mạnh của Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng như định hướng trên thì tương lai ngành du lịch Đà Nẵng, mà đặc biệt là du lịch M.I.C.E sẽ được nâng lên một vị thế mới mang tầm quốc tế.

Ni Thương

You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2023
close-link
​​​