Phát lộ nhiều tường hào, móng gạch gốc của Thành Điện Hải

0 417
Sáng 10/5, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho hay, vừa phát lộ một phần cấu tạo nên tường hào thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải – là yếu tố gốc đã bị vùi lấp, xâm lấn theo thời gian.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho hay, Công ty CP Đầu tư phát triển Vishnu Huế vừa có báo cáo đánh giá hiện trạng và đề xuất phương án tu bổ, phục hồi hạng mục đoạn tường hào phía Tây, phía Nam sau khi đào xuất lộ thuộc công trình “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải (giai đoạn 1)”.

Nhiều đoạn tường hào, móng gạch gốc của di tích Thành Điện Hải... (Ảnh: HC)
Nhiều đoạn tường hào, móng gạch gốc của di tích Thành Điện Hải… (Ảnh: HC)

Theo đó, di tích Thành Điện Hải (thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng) có ranh giới phía Đông giáp Trung tâm Hành chính TP, phía Bắc giáp đường Lý Tự Trọng, phía Tây giáp khu dân cư, phía Nam giáp Trung tâm Công nghệ Phần mềm Đà Nẵng.

Về mặt kiến trúc, Thành Điện Hải được cấu trúc từ 3 bộ phận chính: Thành (thành trong) – hào – quách (thành ngoài). Lối kiến trúc này được gọi là thành quách và được dùng trong thuật ngữ chuyên môn. Theo thời gian, Thành Điện Hải đã trải qua nhiều sự tàn phá khốc liệt trong các cuộc tấn công của thực dân Pháp cũng như sự xâm lấn của người dân xung quanh.

Hiện nay, phần tường hào phía Đông, Nam và tường thành khá nguyên vẹn. Tường hào và phần hào nước phía Bắc, Tây đã bị lấn chiếm bởi các hộ dân lân cận. Ngày 29/3/2018, Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Thành Điện Hải là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt và khởi công dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải (giai đoạn 1).

Trong quá trình triển khai, dưới sự chỉ đạo sát sao của Sở Văn hóa – Thể thao, BQL Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng cùng sự phối hợp chặt chẽ của đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị tư vấn thiết kế và đơn vị thi công đã triển khai các công tác thi công công trình theo đúng các văn bản pháp luật hiện hành, đặc biệt là tuân thủ nguyên tắc bảo tồn di tích, di sản văn hóa.

Sau khi kiểm tra thực địa, đo vẽ, khảo sát hiện trạng công trình trong quá trình triển khai thi công cho thấy đã xuất lộ phần tường hào tiếp giáp đoạn tường hào từ cầu phía Nam đến giữa hào phía Tây, có chiều dài 126m, xây bằng gạch vồ truyền thống, vữa Tam hợp với nhiều loại kích thước khác nhau có lẽ do sản xuất thủ công và do nhiều địa phương làm…

Bên cạnh đó, trong quá trình thi công dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải (giai đoạn 1)” cũng xuất lộ phần móng gạch nối tường hào với tường thành phía Tây có chiều dài khoảng 14,2m, chiều rộng khoảng 4,2m, móng dưới và hai bên xếp bằng đá ong, đá cuội; một phần nền xây bằng gạch vồ truyền thống.

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, đối với đoạn phần tường hào phía Tây sau khi đào xuất lộ, qua đo vẽ, định vị phần móng tường hào được xuất lộ và đối chiếu với vị trí, cấu tạo của tổng thể di tích cùng những luận cứ về lịch sử, đơn vị tư vấn khẳng định đây là một phần cấu tạo nên tường hào thuộc di tích Thành Điện Hải – là yếu tố gốc đã bị vùi lấp, xâm lấn theo thời gian.
Phát lộ nhiều tường hào, móng gạch gốc của Thành Điện Hải 2

Căn cứ vào số liệu khảo sát, đánh giá hiện trạng phần tường hào còn lại đồng thời căn cứ hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt, tuân thủ nguyên tắc bảo tồn tính chân xác cho di tích, đơn vị tư vấn đề xuất các phương án bảo tồn di tích.

Cụ thể là giữ lại nguyên trạng vị trí của yếu tố gốc cho di tích; đo vẽ, đánh giá cấu tạo, chất lượng từng đoạn cụ thể; tháo dỡ phần gạch bị mục mủn, nứt vỡ do thời gian và xâm thực; xây phục hồi phần tường hào về nguyên trạng. Tiến hành các công tác thi công tu bổ, phục hồi cho phần tường hào tiếp theo đúng như hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt, tuân thủ nguyên tắc bảo tồn di tích, di sản văn hóa.

Đối với phần móng gạch nối tường hào và tường thành phía Tây, đơn vị tư vấn đã tiến hành đối chiếu về hướng, vị trí phần móng gạch so với cầu phía Đông. Theo trục Đông – Tây, cầu phía Đông hiện hữu gần chính giữa trục, phần móng gạch phía Tây hơi chếch về phía Nam.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho hay, trên cơ sở hiện trạng, sau khi đo vẽ, đối chứng với các thành phần khác của di tích và để chấp hành nghiêm pháp luật hiện hành về bảo tồn di sản văn hóa, đảm bảo tính chân xác cho di tích, đơn vị tư vấn đã đề xuất phương án tu bổ, phục hồi hạng mục đoạn tường hào phía Tây, phía Nam sau khi đào xuất lộ.

Cụ thể là giữ lại phần tường hào phía Tây, phía Nam sau khi đào xuất lộ; tiến hành các công tác tu bổ, phục hồi theo đúng quy định hiện hành trên cơ sở hồ sơ bản vẽ thiết kế thi công đã được phê duyệt, tôn trọng yếu tố gốc và đảm bảo tính chân xác cho di tích.

Riêng với phần móng gạch giữa hào phía Tây sau khi đào xuất lộ, nhận thấy đây là yếu tố quan trọng mà trong các tài liệu lịch sử, họa đồ về Thành Điện Hải ít đề cập (chỉ đề cập đến cầu và cổng phía Đông, phía Nam) nên đơn vị tư vấn đề nghị cần thận trọng, xem xét, đánh giá nhiều chiều, cần có sự nghiên cứu và đóng góp ý kiến từ các nhà chuyên môn, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia… trước khi có kết luận chính thức.

Phát lộ nhiều tường hào, móng gạch gốc của Thành Điện Hải – Theo infonet.vn
You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2023
close-link
​​​