Khai thác tiềm năng du lịch bán đảo Sơn Trà

0 798

Tổng cục Du lịch đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ đồng ý quy hoạch bán đảo Sơn Trà (BĐST) thành vùng du lịch quốc gia. Đây được xem là bước đệm quan trọng để phát triển du lịch tại khu rừng già này, đồng thời góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại địa phương, nâng cao vị thế ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, việc “đánh thức” tiềm năng BĐST vẫn là bài toán khó cho ngành du lịch thành phố.

Bài 1: Tiềm năng “ngủ quên”

Điểm đến nghèo nàn, thiếu ổn định

Chúng tôi từng nhiều lần đi phượt BĐST cùng các đoàn khách trong và ngoài nước. Hầu như chuyến phượt nào cũng mang lại những trải nghiệm thật khó quên. Được ngắm những con voọc chà vá chân nâu, chiêm ngưỡng cây đa ngàn năm tuổi, lặn ngắm san hô và câu cá, thỏa sức cùng các môn thể thao biển, nghỉ dưỡng ở những resort cao cấp… luôn là những trải nghiệm thú vị khiến du khách mong muốn có dịp trở lại khu rừng già này.

Nhiều nhà làm du lịch cho biết, BĐST được xem là điểm đến hấp dẫn, hội tụ đủ loại hình du lịch cho từng loại khách khác nhau, nhất là du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. Tuy nhiên, những chuyến đi chỉ dừng lại cấp độ thử nghiệm, khảo sát điểm đến do Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là BQL) tổ chức, chưa phải là sản phẩm du lịch cố định do một công ty lữ hành nào khai thác.

Đa số khách du lịch “bụi” tham gia phượt BĐST đều có chung suy nghĩ như Alar Cartan (du khách Canada) rằng, các chuyến phượt đều nhờ bạn bè ở Việt Nam giới thiệu chứ không phải mua tour của lữ hành. Muốn giới thiệu tour, tuyến đến bạn bè và người thân khi trở về nước nhưng bản thân những người bạn Việt Nam cũng chẳng biết rõ như thế nào. Họ thật sự thấy tiếc khi “chủ nhà” bỏ lỡ một nơi tuyệt vời, đáng để trải nghiệm như BĐST.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố, cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng thiết kế các tour, tuyến giới thiệu với du khách về BĐST nhằm góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại địa phương, nhưng nhiều năm nay vẫn chưa thể khai thác được. Một mặt do công tác quy hoạch vùng chưa rạch ròi, chưa phân định ranh giới giữa vùng cấm và vùng được khai thác du lịch. Mặt khác, do chức năng của BQL còn hạn chế, không thể xây dựng được tour điểm đến mang tính bền vững như các hãng lữ hành (BQL không có chức năng kinh doanh)”.

Cơ sở hạ tầng thiếu và yếu

Công ty Du lịch Sông Hội là một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc khai thác tour, tuyến tại BĐST. Qua quá trình khảo sát điểm đến, ông Trần Hùng, Giám đốc công ty cho rằng, dù tiềm năng nơi này rất phong phú, độc đáo và có nhiều thứ vô giá cả về tự nhiên lẫn giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh nhưng vẫn còn ở dạng tiềm tàng, chưa được khai thác hiệu quả.

Theo ông Hùng, một trong những nguyên nhân khiến tour du lịch BĐST chưa được các hãng lữ hành “mặn mà” khai thác là do cơ sở hạ tầng vẫn còn thiếu và yếu, nhiều công trình có nguy cơ xuống cấp cao.

“Các điểm đến trên cạn không có chỗ dừng chân thoải mái, không có chỗ ăn uống và nghỉ ngơi, không có điểm vui chơi, giải trí để lôi kéo du khách. Trong khi đó, bờ biển hiện tại gần như không còn chỗ cho du lịch cộng đồng chen chân bởi đã bàn giao hết cho các chủ đầu tư dự án quản lý. Các hãng lữ hành muốn dừng chân lên bờ biển buộc phải thuê lại các chủ dự án.

Trong khi đó, cầu tàu du lịch đã có dự án từ lâu nhưng chưa được xây dựng, buộc chúng tôi phải mượn cầu tàu tại Trung tâm cứu nạn hàng hải để “ăn nhờ, ở đậu” mỗi khi trả, đón khách”, ông Trần Hùng cho biết. Hiện nay, mỗi ngày Công ty Sông Hội cũng chỉ thu hút khoảng 100 khách (đường biển) tham quan Sơn Trà vào thời gian cao điểm; số khách quay lại lần thứ hai hầu như rất hiếm.

Theo BQL, việc đầu tư cơ sở hạ tầng để khai thác và phát triển tiềm năng du lịch tại BĐST gặp nhiều khó khăn do công tác quy hoạch còn phải chờ… Năm 2014, BQL đã lên kế hoạch đầu tư và nâng cấp một số cơ sở hạ tầng như xây dựng chòi nổi câu cá, nâng cấp các điểm dừng chân, xây dựng trạm trung chuyển tại ngã ba đường Lê Đức Thọ – Hoàng Sa với diện tích 1.000 m2…

Thế nhưng, nhiều hạng mục đến nay vẫn còn nằm trên giấy. “Sau khi đồ án thiết kế ý tưởng “Bảo tồn Sơn Đảo” có tỷ lệ 1/5000 do Công ty Skidmore, Owing & Merill LIP (viết tắt là S.O.M) thực hiện theo đơn đặt hàng của UBND thành phố. BQL đã có định hướng phát triển, xin phép chủ trương lập quy hoạch 1/500 và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2015 đối với một số hạng mục trong gói 1/5000”, ông Nguyễn Đức Vũ, Phó BQL cho biết.

Mặc dù vậy, đến nay, các hạng mục được đề xuất xây dựng vẫn chưa hoàn thiện các quy trình thủ tục hành chính. Trong khi đó, hiện các điểm đến, tuyến du lịch tại BĐST còn trong tình trạng đơn điệu, chưa mang tính ổn định của một sản phẩm du lịch có tính bền vững. Tại các điểm đến, cơ sở hạ tầng chưa được quan tầm đầu tư (chưa có điện, nước, các dịch vụ vui chơi,giải trí)…

Theo báo cáo của Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, tổng lượng khách tham quan tại bán đảo Sơn Trà trong 6 tháng đầu năm 2015, ước tính gần 650.000 lượt người; trong đó, tuyến chùa Linh Ứng – Cây đa di sản chiếm đến trên 600.000 lượt, trong khi các tuyến tham quan dưới nước chỉ đạt 7.500 lượt người.

Con số trên cho thấy, du khách đến bán đảo Sơn Trà tập trung trên 90% tuyến du lịch chùa Linh Ứng – Cây đa di sản, trong khi nhiều điểm đến hấp dẫn khác bị “bỏ quên”. “Nếu so sánh với Cù lao Chàm của Quảng Nam, bán đảo Sơn Trà có lợi thế hơn về tiềm năng và các giá trị văn hóa, lịch sử nhưng hiệu quả khai thác lại thấp hơn rất nhiều. Riêng tuyến tham quan dưới nước ở Cù lao Chàm đã thu hút khách đông hơn gấp 2-3 lần ở bán đảo Sơn Trà”, ông Trần Việt Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Long Yến phân tích.

baodanang.vn

You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

​​​