Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch điểm đến 05 địa phương “Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế- Đà Nẵng – Quảng Nam” tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên

Hoi Nghi Quang Ba Xuc Tien Du Lich Diem Den 05 Dia Phuong Quang Binh Quang Tri Thua Thien Hue Da Nang Quang Nam Tai Cac Tinh Khu Vuc Tay Nguyen
227

Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch điểm đến 05 địa phương “Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam” tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên

Hoi Nghi Quang Ba Xuc Tien Du Lich Diem Den 05 Dia Phuong Quang Binh Quang Tri Thua Thien Hue Da Nang Quang Nam Tai Cac Tinh Khu Vuc Tay Nguyen

Triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và thực hiện Kế hoạch hợp tác liên kết phát triển du lịch 05 địa phương Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam trong năm 2022, vơí sự hỗ trợ, phối hợp của Sở VHTTDL các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng cùng các cơ quan, đơn vị liên quan, Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam đồng tổ chức Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch 05 địa phương tại khu vực Tây Nguyên từ ngày 04/8 đến ngày 06/8/2022 trong đó có Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch điểm đến 05 địa phương “Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế- Đà Nẵng – Quảng Nam” tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên ở TP. Buôn Ma Thuột vào ngày 05/8/2022.

Hội nghị này là hoạt động quảng bá hình ảnh Miền di sản diệu kỳ, giới thiệu các các sản phẩm du lịch và chương trình kích cầu của của 05 địa phương đến các công ty du lịch, lữ hành đến thị trường khu vực Tây Nguyên. Đồng thời thúc đẩy sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 05 địa phương miền Trung và các tỉnh khu vực Tấy Nguyên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, tăng cường kết nối giữa 02 khu vực động lực phát triển du lịch của cả nước góp phần phục hồi, tăng trưởng và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình và Lãnh đạo Sở VHTT&DL Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng. Lãnh đạo Hiệp Hội du lịch các tỉnh Tây Nguyên. Các Sở Du lịch/Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch 05 địa phương Miền Trung Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam, lãnh đạo Phòng quản lý du lịch, Lãnh đạo Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch/ Trung tâm xúc tiến du lịch/Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch cùng khoảng 120 đại biểu là các doanh nghiệp du lịch tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và các phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí tại khu vực Tây Nguyên tham dự và đưa tin.

Tại Hội nghị các Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giới thiệu về du lịch của các địa phương, trao đổi thảo luận về việc phát triển sản phẩm du lịch kết nối giữa các địa phương miền Trung và vùng Tây cho khách du lịch nội địa và quốc tế và ký kết Thỏa thuận hợp tác, phát triển du lịch giữa 05 địa phương Miền Trung “Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam” với các tỉnh khu vực Tây Nguyên “Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng” giai đoạn 2022 – 2026.

Thỏa thuận là cơ sở quan trọng để các tỉnh liên kết, hợp tác trong khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, xây dựng và khẳng định thương hiệu, hấp dẫn khách du lịch, tạo lập không gian du lịch thống nhất để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; thu hút các nguồn lực xã hội, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch và nhân dân các tỉnh, thành trong chương trình liên kết tìm kiếm đối tác để xây dựng, khai thác và phát triển sản phẩm du lịch. Việc hợp tác tập trung vào 03 lĩnh vực chính gồm: (i) công tác quản lý nhà nước về du lịch, (ii) hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch. (iii) hợp tác về quảng bá, xúc tiến du lịch.

Tổng quan về du lịch 05 địa phương miền Trung

05 tỉnh/thành phố miền Trung gồm Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á (do Lonely Planet vinh danh năm 2019), là một hành trình không thể thiếu của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Trong những năm qua, du lịch 05 tỉnh miền Trung đã có những sự tăng trưởng ấn tượng và vươn lên trở thành một trong những điểm sáng của du lịch Việt Nam và khu vực Châu Á với khoảng 20 triệu – 25 triệu khách du lịch/năm trong giai đoạn 2016 – 2019. Hệ thống sản phẩm du lịch rất đa dạng, phong phú như du lịch biển, đảo; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao, giải trí; du lịch MICE; du lịch sinh thái; du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch văn hóa – lịch sử; du lịch cộng đồng; du lịch nông nghiệp cùng với hạ tầng kỹ thuật phát triển du lịch đồng bộ trong đó có nhiều sản phẩm, cơ sở lưu trú, điểm du lịch đẳng cấp quốc tế. Điểm đến du lịch 05 tỉnh/thành phố tiếp tục khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế. Với xu thế du lịch xanh, du lịch thiên nhiên hậu Covid-19, Miền di sản diệu kỳ Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế – Quảng Nam – Đà Nẵng sẽ tiếp tục là sự lựa chọn hàng đầu, điểm phải đến của khách du lịch và hứa hẹn sẽ phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Con đường di sản miền Trung đi qua 05 địa phương là thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Một miền di sản diệu kỳ với hệ thống di sản thế giới đồ sộ đã được UNESCO vinh danh như: Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng; các di sản văn hóa: Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Nhã nhạc cung đinh Huế, Ca trù, Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt, Nghệ thuật bài chòi miền Trung; các di sản tài liệu thế giới: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế cùng với Miền nghỉ dưỡng, giải trí diệu kỳ Đà Nẵng, Tỉnh Quảng Trị – một trong những bảo tàng của lịch sử, hòa bình lớn nhất Châu Á… Hệ thống giao thông kết nối với 5 địa phương Miền Trung thuận lợi: về hàng không có 03 cảng hàng không quốc tế (Đà Nẵng, Phú Bài, Chu Lai), 01 cảng hàng không nội địa Đồng Hới (Quảng Bình) và cảng hàng không Quảng Trị đang xây dựng; đường biển: có hệ thống cảng biển có thể đón các tàu du lịch 5 sao quốc tế; hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối thuận lợi đến tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước và là một trong những con đường ngắn nhất đến Lào và Thái Lan trên hành lang kinh tế đông tây.

Với các gói kích cầu du lịch và những sản phẩm độc đáo của các địa phương miền Trung giới thiệu trong Hội nghị tại Tp Buôn Ma Thuật, du lịch 05 địa phương miền Trung sẽ mang lại cho du khách nhiều cảm nhận, trải nghiệm thú vị đầy ngạc nhiên khi đến tham quan, du lịch Miền di sản diệu kỳ với Miền thiên nhiên diệu kỳ Quảng Bình, Miền diệu kỳ nghỉ dưỡng biển Đà Nẵng, Miền di sản văn hóa Huế, Miền diệu kỳ vui chơi giải trí Quảng Nam, Miền lịch sử cách mạng Quảng Trị.

Tổng quan về du lịch các tỉnh Tây Nguyên

Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh đối với cả nước và khu vực. Nằm ở khu vực ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia, tiếp giáp với các vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch với nhiều vùng trong cả nước và quốc tế. Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Tây Nguyên là một trong 7 vùng du lịch của cả nước. Đây cũng là thị trường trọng điểm của các 05 địa phương miền Trung trong nhiều năm qua.

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với tổng diện tích 54.641 km2, chiếm 16,8% diện tích cả nước, tổng dân số khoảng 6,2 triệu lượt. Nơi đây hàm chứa nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng to lớn có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch.

Về tài nguyên thiên nhiên: Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng liên quan đến núi, sông suối, thác nước, hồ… và cả hệ động thực vật hết sức phong phú, trong đó có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia… Những tài nguyên có giá trị để khai thác phát triển du lịch bao gồm: cảnh quan dọc các sông Đắk Bla, Pa Cô, Serepok, Krông Ana, Krông Nô, Đồng Nai…; hệ thống các hồ lớn và đẹp như Tuyền Lâm, Đan Kia Suối Vàng, Hồ Lắk, Biển Hồ, các hồ thủy điện (Yaly, Đại Ninh…); hệ thống các thác nước như Dray Sap, Trinh Nữ, Diệu Linh, Phú Cường, Lưu Ly, Pongour, Cam Ly, Pren…

Về tài nguyên văn hóa: Tây Nguyên hiện nay là nơi cư trú của 47 dân tộc khác nhau bao gồm cả nhóm dân tộc bản địa sinh sống lâu đời và nhóm dân tộc di cư từ nơi khác đến, làm cho mối quan hệ và giao lưu văn hóa ở Tây Nguyên phong phú và đa dạng. Vùng Tây Nguyên có trên 30% dân số là người dân tộc thiểu số, có hệ thống các lễ hội đặc sắc, là nơi bảo tồn và trao truyền các tri thức, các giá trị văn hóa truyền thống quý báu thông qua các hoạt động văn hóa, phương thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng như: văn hóa cồng chiêng, văn hóa mẫu hệ, văn hóa nhà rông, nhà dài, văn hóa ẩm thực, văn hóa thổ cẩm, văn hóa sử thi, văn hóa diễn tấu nhạc cụ, biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ của các tộc người Tây Nguyên… Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Các lễ hội dân gian, lễ hội văn hóa ở Tây Nguyên rất hoành tráng và sôi động, phổ biến nhất là lễ đâm trâu, lễ cúng lúa mới, lễ hội cồng chiêng… đã trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa đầy sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Với lợi thế về tài nguyên du lịch, các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã phát triển hệ thống các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế với nhiều điểm đến nổi bật như Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Măng Đen, Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông, Pleiku…

Thùy Nguyên 

You might also like

Comments are closed.

Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2023
close-link
​​​