Festival Huế 2018: “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển Huế – 1 điểm đến 5 di sản”

0 1.587

Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế – 1 điểm đến 5 di sản”, Festival Huế 2018 là Festival có qui mô quốc tế được tổ chức lần thứ 10 tại Thừa Thiên Huế, sẽ khai mạc vào thứ Sáu ngày 27-4-2018 và bế mạc thứ Tư ngày 02-5-2018.

Festival Huế 2018: “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển Huế - 1 điểm đến 5 di sản” 1

Festival Huế 2018 qui tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn của những vùng văn hoá tiêu biểu của Việt Nam và hàng chục quốc gia trên thế giới, là cơ hội để quảng bá Huế, thành phố văn hóa, thành phố di sản, thành phố Festival, thành phố du lịch đặc trưng của Việt Nam. Đây là dịp để giới thiệu với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế tinh hoa văn hóa nghệ thuật truyền thống và cung đình Huế. Đặc biệt, tham gia Festival Huế cũng là cơ hội được tìm hiểu, thăm thú và trải nghiệm những giá trị độc đáo của 5 Di sản đã được UNESCO công nhận: Quần thể di tích cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2010), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (2016). Mới đây, Huế còn cùng với 9 tỉnh thành phố miền Trung đồng chủ sở hữu 1 di sản phi vật thể vừa được UNESCO công nhận vào tháng 12 năm 2017 là nghệ thuật Bài Chòi.

Festival Huế diễn ra trong năm 2018, gắn kết với nhiều sự kiện lịch sử văn hóa có ý nghĩa của Thừa Thiên Huế và của đất nước: kỷ niệm 230 năm sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại Núi Bân (1788-2018); 50 năm tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu thân (1968-2018); 25 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1993-2018); 15 năm Âm nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại (2003-2018).

Festival Huế 2018 sẽ có sự góp mặt của 21 quốc gia gồm: châu Á có 07 đại diện (Hàn Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Sri Lanka, Israel); châu Âu có 09 đại diện (Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Ba Lan, Slovakia, Rumania, Nga, Italia, Tây Ban Nha); châu Mỹ có 03 đại diện (Colombia, Mexico, Cuba); châu Phi có Ma rốc; và châu Đại Dương có Australia, … hứa hẹn mang đến những chương trình biểu diễn hấp dẫn, đa sắc màu văn hóa.

Cụ thể các đoàn như sau:

  • Hàn Quốc: Đoàn nghệ thuật trống Serotonin, Đoàn múa Hiệp hội ngành nghề truyền thống Hàn Quốc.
  • Mông Cổ: Đoàn nghệ thuật Cung Văn hóa Trung ương Mông Cổ
  • Nhật Bản: Đoàn nghệ thuật múa sư tử Yaese, Okinawa
  • Trung Quốc: Đoàn nghệ thuật tổng hợp tỉnh Chiết Giang
  • Thái Lan: Đoàn ca múa nhạc dân tộc Sisaket Rajabhat
  • Sri Lanka: Đoàn múa truyền thống Ranranga
  • Israel: Ca sĩ Noa và ban nhạc
  • Pháp: Ban nhạc rock Lysistrata; nhóm beatbox/acapella Berywam, triển lãm truyện tranh của Vùng Nouvelle Aquitaine;
  • Bỉ: Nghệ sĩ trình diễn nghệ thuật thị giác Gwendoline Robin (Vùng Wallonie-Bruxelles), Đoàn Cà kheo De Steltenlopers van Merchtem
  • Đan Mạch: Ban nhạc Sounds from the Northern Wind
  • Ba Lan: Đoàn múa dân gian Neptun
  • Slovakia: Đoàn nghệ thuật dân gian Urpin
  • Rumania: Đoàn nghệ thuật tổng hợp của thành phố Iasi
  • Nga: Đoàn múa dân gian “Sibirskye Uzory” (Họa tiết Siberia)
  • Italia: Đoàn múa cờ truyền thống
  • Tây Ban Nha: nghệ sĩ guitar flamenco Daniel Casares
  • Colombia: Ban nhạc Pambil
  • Mexico: Nhóm nhạc Nematatlin
  • Cuba: Đoàn nghệ thuật truyền thống quốc gia
  • Ma rốc: Nhóm nhạc jazz & blues Majid Bekkas
  • Australia: Ca sĩ Deni Hines

Về phía Việt Nam, Festival Huế 2018 hội tụ nhiều đoàn nghệ thuật và nhóm nghệ sĩ đại diện cho các vùng miền trên khắp cả nước: Nhà Hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen TP HCM, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Đoàn Ca múa nhạc Đắc Lắc, Liên Đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Đà Nẵng,

Trung tâm Bảo tồn và Phát huy dân ca xứ Nghệ, Đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Bình, nhóm nhạc Đường Chân Trời, một số nghệ sĩ và nhóm nghệ thuật tiêu biểu về phong cách khác ở Hà nội và TP HCM. Ngoài ra các đoàn của tỉnh sẽ tham gia gồm Nhà hát Ca kịch Huế, Nhà hát Cung đình Huế…

Các lễ hội và chương trình nghệ thuật chính:

Ngoài lễ khai mạc (20h00 ngày 27/4/2018) và bế mạc (20h00 ngày 02/5/2018) được dàn dựng công phu, mang đậm bản sắc sẽ được tổ chức tại Quảng trường Ngọ Môn, các chương trình biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật quốc tế và trong nước diễn ra liên tục tại các sân khấu chính, một số các chương trình nghệ thuật và lễ hội chính sẽ được trải dài trong suốt thời gian diễn ra Festival:

1. Chương trình “Văn hiến Kinh kỳ”, lúc 19h30 các ngày 28/4 và 30/4/2018;

Festival Huế 2018: “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển Huế - 1 điểm đến 5 di sản” 2

Là một chương trình sân khấu hóa được dàn dựng trong không gian huyền ảo của Đại Nội về đêm, “Văn hiến kinh kỳ” tập trung các chủ đề tôn vinh những giá trị của một đất nước văn hiến, độc lập trong tiến trình lịch sử dân tộc, làm nổi bật 5 di sản văn hóa được thế giới công nhận (là Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình, Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế).

Chương trình được kết hợp giữa nhiều hình thức: hát múa, diễn xướng, hoạt cảnh, ngâm thơ, âm nhạc, cùng các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, làm sống lại những ký ức tự hào về công cuộc kiến thiết, chấn hưng đất nước, những hình ảnh vàng son một thưở của kinh đô Thuận Hóa xưa.

Cùng với chương trình Văn hiến kinh kỳ, TTBTDTCĐ Huế sẽ tổ chức dạ yến tiệc cung đình hàng đêm tại khu vực Duyệt Thị Đường, Đại Nội Huế.

2. Chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng niềm tin” của Phật giáo TTH, lúc 20h00 ngày 01/5/2018.

Suốt chiều dài lịch sử Huế là một trung tâm Phật giáo lớn. Kinh đô của triều Nguyễn cũng từng là thủ phủ một thời của Phật giáo Việt Nam. Tiềm ẩn nhiều giá trị, văn hóa Phật giáo là một di sản độc đáo của dân tộc. Tại các kỳ Festival Huế, nhiều hoạt động văn hóa Phật giáo đã tham gia và là điểm nhấn đặc biệt của lễ hội. Năm nay, Giáo hội PG TTH tổ chức chương trình nghệ thuật âm nhạc và múa Phật giáo kết hợp các nghi lễ thả đèn hoa đăng trên sông Hương, cầu quốc thái dân an.

Festival Huế 2018: “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển Huế - 1 điểm đến 5 di sản” 3

3. Liên hoan “Hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc”, từ 26/4 đến 28/4/2018 sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức với sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên đến từ các tỉnh thành trong cả nước. Liên hoan được tổ chức nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị nghệ thuật của loại hình hát văn, hát chầu văn, hình thức lễ nhạc gắn liền với Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã được UNESCO công nhận là Di sản Phi vật thể đại diện của nhân loại. Chương trình sẽ được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế.

4. Chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn, lúc 20h00 ngày 28/4/2018 tại công viên Phu Văn Lâu.

Festival Huế 2018: “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển Huế - 1 điểm đến 5 di sản” 4

Với chủ đề ”Hành hương”, chương trình đánh dấu sự trở về nguồn cội của cố nhạc sĩ qua âm nhạc đầy chất Thiền và tự tình về mẹ, về quê hương của ông, với sự tham gia của những ca sĩ thể hiện xuất sắc dòng nhạc này.

5. Chương trình nghệ thuật đường phố “Sắc màu văn hoá”, diễn ra vào lúc 16h00 các ngày từ 28/4 đến 02/5/2018 trên các trục đường chính của thành phố Huế. Lễ hội tiếp tục là sự kiện văn hoá điểm nhấn, tạo nên không khí tưng bừng của sự đa dạng sắc màu văn hóa, phô diễn tính phong phú của âm nhạc, vũ điệu, góp phần thúc đẩy giao lưu giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Festival Huế 2018: “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển Huế - 1 điểm đến 5 di sản” 5

6. Lễ hội áo dài xuất hiện lần đầu tại Festival Huế vào năm 2002 được xem là chương trình tôn vinh áo dài đầu tiên trên cả nước và liên tục trở thành là một lễ hội đặc trưng độc đáo của Festival. Chương trình qui tụ nhiều nhà thiết kế trong cả nước và sẽ diễn ra vào lúc 20h00 ngày 29/4/2018.

7. Chương trình “Những tình khúc Huế”: Festival Huế luôn dành nhiều chương trình tôn vinh những ca khúc vượt thời gian của nền âm nhạc dân tộc.  Tại Festival lần này, sẽ có một sân khấu dành riêng cho những người yêu thích những bản tình ca lãng mạn về Huế. Chương trình diễn ra vào lúc 19h30 ngày 29/4/2018 tại tiền sảnh Trung tâm VHTT của tỉnh.

8. Lễ Tế Giao: Kế thừa những kinh nghiệm và thành công trong các kỳ Festival trước, lễ tế Nam Giao 2012 diễn ra vào ngày 27/4 vẫn sẽ là một trong những lễ hội quan trọng nhất do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chủ trì.

Festival Huế 2018: “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển Huế - 1 điểm đến 5 di sản” 6

Các chương trình hưởng ứng và hoạt động cộng đồng:

Bên cạnh các chương trình và lễ hội chính, còn có các sự kiện, chương trình hưởng ứng Festival, các chương trình xã hội hóa, các hoạt động văn hóa cộng đồng như: Festival Khoa học lần thứ 5 (do Đại học Y Dược Huế tổ chức); Liên hoan Ẩm thực Quốc tếHội chợ “Thương mại Quốc tế Festival Huế 2018”; Lễ hội “Hương Xưa làng Cổ” (tại làng cổ Phước Tích – Huyện Phong Điền); Lễ hội “Chợ quê ngày hội” (tại Cầu Ngói Thanh Toàn – Thị xã Hương Thủy); Lễ hội “Sóng nước Tam Giang” (tại Huyện Quảng Điền); Festival Thơ Huế; Liên hoan “Sắc màu tuổi thơ” của thiếu nhi Huế; Lễ hội Bia; Lễ hội Đua thuyền truyền thống trên sông Hương; Lễ hội Diều Huế; hoạt động Thư pháp; thi đấu “cờ người”, chương trình diễn nghệ thuật của các nhóm nhạc và các câu lạc bộ tại các tuyến phố đi bộ.…

Hàng loạt trưng bày, triển lãm với nhiều chủ đề khác nhau bao gồm: triển lãm “Huế- một điểm đến 5 di sản”, triển lãm “Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế qua nghệ thuật Trúc chỉ”; triển lãm “Thái y viện triều Nguyễn qua di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam”trưng bày chuyên đề “Sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Lê Trịnh”; triển lãm “Hương sắc gốm Bát Tràng”; triển lãm Mỹ thuật Huế – Sài Gòn – Hà Nội; Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển”; triển lãm mỹ thuật “Lại về lại” 2018; trưng bày “Phong lan và Cây cảnh ba miền”

Một số lễ hội cung đình và các lễ hội khác được tổ chức trước và sau Festival sẽ tiếp tục được tổ chức trên cơ sở hoàn chỉnh nội dung và nâng cao chất lượng: Lễ Tế Giao, Lễ Tế Xã tắc, Lễ hội Đền Huyền Trân, Lễ hội Điện Hòn Chén, Lễ Phật Đản, tái hiện Lễ hội Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế…

Các tour, tuyến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái khám phá vẻ đẹp độc đáo của vùng đất, từ Lăng Cô – vịnh đẹp thế giới, đến vùng cao A Lưới, Nam Đông và vùng đầm phá Tam Giang, Cầu Hai phục vụ du khách tham dự Festival.

Festival Huế 2018 hứa hẹn một mùa lễ hội ở cố đô Huế với nhiều nét mới, đặc sắc, ấn tượng và hấp dẫn đối với du khách gần xa./.

CHƯƠNG TRÌNH CHÍNH TẠI FESTIVAL HUẾ 2018

(Dự kiến đến ngày 27/2/2018)

• Lễ Khai mạc: 20h00  ngày 27/4/2018 tại Quảng trường Ngọ Môn• Chương trình nghệ thuật “Văn hiến Kinh kỳ”: 19h00  ngày 28/4 & 30/4/2018 tại Đại Nội Huế

• Yến tiệc Hoàng cung: 19h30 các ngày 27,28,29,30/4 & 1,2/5/2018 tại Duyệt Thị Đường – Đại Nội

• Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa: 15h30 các ngày 28,29,30/4 & 01/5/2018

• Chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng niềm tin”: 19h30 ngày 30/4/2018 & 2/5/2018 tại Công viên Cầu Dã viên

• Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn: 20h00 ngày 28/4/2018 tại Phu Văn Lâu

• Chương trình “Những tình khúc Huế”: 19h30 ngày 29/4/2018 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh

• Liên hoan Hát văn, hát Chầu văn toàn quốc năm 2018: 26/4-28/4/2018 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh

• Lễ Bế mạc: 20h00 ngày 02/5/2018 tại Quảng trường Ngọ Môn

Theo http://huedisan.com.vn – Festival Huế 2018: “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển Huế – 1 điểm đến 5 di sản”
You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2023
close-link
​​​