Cơ hội mới cho ngành du lịch Đà Nẵng

1.000

Kết thúc năm 2016, ngành du lịch Đà Nẵng đã đón 5,51 triệu lượt khách (tăng 17,7% so với năm 2015) đến tham quan và nghỉ dưỡng. Trong đó, khách quốc tế chiếm 1,66 triệu lượt, tăng 31,6% so với năm 2015. Năm vừa qua, Đà Nẵng đã vinh dự được tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards vinh danh “Điểm đến lễ hội hàng đầu châu Á”, Tạp chí Smart Travel Asia bình chọn “Top 10 điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á”. Để có được kết quả như vậy là nhờ vào sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp, các tổ chức du lịch, người dân và du khách.

Một trong những điểm sáng của du lịch Đà Nẵng là thành phố có cơ sở hạ tầng tương đối hiện đại, đồng bộ, có đủ 4 hệ thống giao thông cơ bản, gồm đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Hệ thống cơ sở vật chất, các công trình được xây dựng bước đầu đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện văn hóa – thể thao và du lịch lớn mang tầm quốc gia và quốc tế. Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với 20 đường bay trực tiếp, trong đó có 11 đường bay thường kỳ và 9 đường bay trực tiếp thuê chuyến, trung bình mỗi ngày sân bay Đà Nẵng đón hơn 100 chuyến bay đến và đi. Bên cạnh đó, đường thủy cũng mang đến nguồn khách đông đảo cho thành phố với sự hiện diện đều đặn hằng tuần của tàu biển Genting Dream, sức chứa lên tới hơn 3.400 khách. Năm 2016, thành phố đón 58 chuyến tàu biển với hơn 81.000 lượt khách, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2015.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng là một điểm đến thu hút nhiều dự án đầu tư du lịch dịch vụ có quy mô lớn với 83 dự án du lịch dịch vụ đã và đang được triển khai đầu tư, tổng vốn đầu tư khoảng 7.300 triệu USD của các thương hiệu lớn mang tầm quốc tế tại Đà Nẵng như: Fusion Maia Resort, Hyatt Regency, Vinpearl, Mercure Grand, Grand Tourane, Risemount Resort…

Dự kiến đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ đón khoảng 8 triệu lượt khách, trong đó có 2 triệu lượt khách quốc tế và 6 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt khoảng 27.400 tỷ đồng.

Định hướng năm 2017, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ tập trung vào công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Đà Nẵng tại thị trường nước ngoài, trong đó ưu tiên tập trung thị trường truyền thống: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đông Nam Á, mở rộng khai thác các thị trường quốc tế tiềm năng: Thị trường Tây Âu (Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ý), Úc, Bắc Mỹ và thị trường mới Ấn Độ. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác truyền thông và quảng bá ẩm thực du lịch Đà Nẵng đến với thị trường trong nước và quốc tế.

Ni Thương

You might also like

Comments are closed.

Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2023
close-link
​​​