Cơ hội của ngành du lịch

0 357

Năm 2015, Đà Nẵng đón gần 4,6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 1,25 triệu lượt, khách nội địa khoảng 3,35 triệu lượt, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 12.700 tỷ đồng. Trong khi tại nhiều địa phương lượng khách du lịch giảm sút thì Đà Nẵng tăng 20,5%. Có lẽ, Đà Nẵng đặc biệt trong mắt bạn bè bốn phương từ những điều bình dị…

Ngày càng nhiều du khách đến với Đà Nẵng là câu trả lời thiết thực nhất về kết quả làm du lịch của người Đà Nẵng. Ảnh: Q.T

Từ những việc nhỏ

Chị Nguyễn Thị Thúy (du khách từ Hà Nội), cho biết, đây là lần thứ 2 chị đưa gia đình trở lại Đà Nẵng sau lần đầu vào năm 2009. Chị dùng từ “tuyệt vời” để nói về môi trường du lịch Đà Nẵng, đặc biệt là sau khi được nhân viên Bà Nà Hills trả lại túi xách bỏ quên: “Thật vui khi khách du lịch đến Đà Nẵng không có tình trạng bị người địa phương “chặt chém”. Qua sự việc để quên túi được trả lại càng làm cho tôi thấy con người Đà Nẵng rất thật thà”, chị Thúy nói.

Những ngày cuối tháng 2, người dân thành phố hân hoan chào đón Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race 2015-2016 đến Đà Nẵng. Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng kể một câu chuyện mà ông nghe được từ Steve John (quốc tịch Anh, một trong những thủy thủ đoàn), “Trong một lần đi dạo quanh thành phố, tôi để lạc mất bản đồ, trong túi cũng không có tiền nên không gọi taxi được. Khi tôi hỏi một người đi đường khách sạn ở chỗ nào thì anh ấy nói khách sạn đó cách đây khá xa, tôi sẽ chở ông về. Nghĩa cử ấy khiến tôi nhớ mãi. Người dân Đà Nẵng rất hiền lành và thật thà”.

Không chỉ khách du lịch mà khách nước ngoài đến Đà Nẵng làm việc cũng có cảm nhận bình yên về thành phố. Ông Gaston Melo (tiền đạo người Argentina, đang thi đấu cho Câu lạc bộ SHB Đà Nẵng) bày tỏ sự yêu thích với thành phố bên sông Hàn, “dù thi đấu cho một đất nước xa lạ nhưng tôi không có cảm giác âu lo mà cảm thấy rất an toàn khi sống ở thành phố này. Tình hình an ninh, giao thông đều rất tốt, người dân luôn nở nụ cười hồn hậu. Tôi thấy thành phố này còn bình yên hơn cả quê nhà”.

Có lẽ, Đà Nẵng đặc biệt trong mắt bạn bè bốn phương từ những điều bình dị, nhỏ nhặt như vậy. Đó là nụ cười rạng rỡ của những nhân viên sân bay, ga tàu; là hình ảnh những anh công an giao thông dắt cụ bà, em nhỏ qua đường, nhắc nhở người đi sai làn đường chứ không xử phạt; đó là anh xích lô trả lại hơn 10 triệu đồng cho du khách bỏ quên… Nói như ông Nguyễn Xuân Bình, để có được môi trường du lịch an toàn cho du khách thụ hưởng như hiện nay, chính quyền và người dân thành phố đã “tích lũy” trong nhiều năm trời.

Tạo dựng thương hiệu du lịch

Ông Nguyễn Xuân Bình thừa nhận rằng, nếu nói về sản phẩm du lịch thuần túy thì Đà Nẵng còn phải phấn đấu nhiều, tuy nhiên, Đà Nẵng tạo được thương hiệu so với các địa phương cùng đặc thù nhờ dựa vào nền tảng của thương hiệu thành phố.

Còn nhớ, những năm 1997, sau khi chia tách tỉnh, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, chính quyền thành phố đã có sự đột phá trong quyết định chọn du lịch là 1 trong 5 ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, phải đến Nghị quyết Đảng bộ thành phố lần thứ 20 (năm 2010) thì du lịch mới được xem là ngành kinh tế cần đột phá chiến lược.

Hàng loạt các chính sách góp phần ổn định an sinh xã hội, cải cách hành chính, thái độ công vụ… tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Song song với sự nỗ lực của chính quyền là sự vào cuộc của doanh nghiệp. Đến nay toàn thành phố có trên 450 khách sạn, khu nghỉ dưỡng với trên 16.500 phòng; cùng một số cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như: Sân bay quốc tế, cảng biển, các khu giải trí, công viên trò chơi như Bà Nà Hills, Asia Park, Khu du lịch Thần Tài… Nhờ đó, Đà Nẵng có thể tiếp cận dễ dàng với nhiều khách du lịch đa dạng với những mục tiêu, loại hình du lịch khác nhau.

Cơ sở hạ tầng du lịch bắt đầu ổn định thì Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế năm 2008 đã thu hút về cho Đà Nẵng 1,2 triệu lượt khách, tăng 18% so với năm 2007. Thừa thắng xông lên, Đà Nẵng xây dựng hình ảnh thành phố năng động khi đăng cai tổ chức hàng loạt cuộc thi mang tầm quốc tế như Cuộc thi Marathon, Đại hội Thể thao bãi biển châu Á, Cuộc đua thuyền buồm Clipper Race…

Bên cạnh việc đầu tư “phần cứng”- cơ sở hạ tầng thì việc đầu tư cho “phần mềm” – ý thức người dân, đội ngũ làm du lịch được chú trọng. Việc thay đổi ý thức của người dân trong xây dựng thành phố môi trường, ứng xử văn minh trong kinh doanh, trong giao thông trật tự là một trong nhiều yếu tố đã dẫn đến thành công cho việc thu hút du khách như hiện nay.

Du lịch biển cũng là một sản phẩm đóng góp chung cho sự thành công của thương hiệu du lịch thành phố. Cách đây 10 năm, các hoạt động vui chơi, tắm biển, dịch vụ trên biển chỉ mang tính tự phát. Các hộ kinh doanh buôn bán thậm chí nấu nướng trên bãi biển; các khu tắm nước ngọt do người dân tự dựng tạm bợ bằng xi-măng, bê-tông… tạo nên hình ảnh bãi biển rất nhếch nhác.

Từ năm 2006, khi Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là Ban quản lý) được thành lập, vấn đề sắp xếp, quy hoạch bãi biển được chú trọng, thời điểm đó, bãi biển Đà Nẵng mới “nhen nhóm” hình thành bãi biển du lịch.

Thực tế, Việt Nam có 3.200km bờ biển nên để du lịch biển Đà Nẵng tạo sự khác biệt so với nơi khác là điều rất khó. Tuy nhiên, du khách phía Bắc vẫn chọn Đà Nẵng. Ông Nguyễn Đức Vũ, Phó ban quản lý cho rằng, nếu tập trung khai thác vẻ đẹp tự nhiên, những khu nghỉ dưỡng sang trọng thì Đà Nẵng… thua.

Do đó, Đà Nẵng tập trung xây dựng môi trường bãi biển sạch đẹp, an toàn. Đó là một bãi biển hoàn toàn không có rác, là đội cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp nhất, là hoàn toàn không có tình trạng chặt chém, cò kéo của người bán hàng địa phương.

Để làm được những việc tưởng chừng nhỏ nhặt này, cả ban quản lý và các hộ kinh doanh đều rất nỗ lực. Những người lao động làn da sạm đen, “ăn cục nói hòn” nay như trở thành những con người khác luôn nở một nụ cười thân thiện.

Không chỉ bằng hình thức tuyên truyền, Ban quản lý đã tổ chức cho các hộ kinh doanh bãi biển đi du lịch Thái Lan để học cách người Thái làm du lịch. Sau những chuyến thực tế như vậy, dần dần, ý thức người dân thay đổi. Họ nhận ra rằng, khi nở nụ cười thân thiện, du khách sẽ đến đông hơn, việc kinh doanh thuận lợi hơn.

(Theo ĐTĐN)

You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2023
close-link
​​​