Lưu giữ ký ức văn hóa biển

0 995

Những người con của làng chài Nam Thọ xưa (nay thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) vẫn lặng lẽ góp nhặt từng vật dụng, đồ dùng gắn với đời sống lao động và sinh hoạt của người đi biển như một cách níu giữ những ký ức văn hóa biển, câu chuyện đẹp của làng, của cha ông và của chính họ.

Kể chuyện làng mình

Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Thọ Quang, ý tưởng xây dựng một căn phòng nhỏ nhưng độc đáo, trưng bày vật dụng làng chài miền Trung được nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng thực hiện từ 10 năm qua, tại ngay tầng hầm nhà mình. Căn phòng rộng chừng 40m2, cao 2,2m. Nền phủ cát trắng lấy từ biển. Mỹ Dũng cho biết, khi xây căn hầm này, ông phải đào đi lớp đất sâu chừng 1,5m.

“Xây dựng căn hầm này, tôi muốn giữ lại những nét văn hóa của làng biển, nơi gắn với tuổi thơ và nghề nghiệp của ông cha tôi”, nghệ sĩ Mỹ Dũng nói. Trong căn hầm nhỏ, các ngư cụ được sưu tầm ở nhiều vùng biển ở Đà Nẵng được tạo hình một cách khá nghệ thuật. Chiếc thuyền thúng chiếm diện tích lớn trong hầm, do nghệ sĩ Mỹ Dũng tự mua tre về và thuê thợ đan tại chỗ. Vật dụng tâm đắc nhất trong gian trưng bày với Mỹ Dũng là những chiếc bầu mắm. Mỹ Dũng kể, thời xưa, ngư dân miền biển quê ông dùng bầu đưa cá, mắm lên miền núi, để đổi lấy thóc, khoai sắn đưa về xuôi. Bầu cũng được ngư dân ghi tên mình hoặc tên con lên nhằm phân biệt và khỏi bị lấy cắp như Mực, Cơm… – những cái tên mộc mạc mang ước vọng giản đơn của người đi biển và để tránh tai ương. “Nhìn đơn sơ vậy, chứ đối với người đi biển xưa, bầu mắm quý lắm”, ông Dũng nói.

Dong-dinh-015

Ở các góc căn hầm, Mỹ Dũng dành trưng bày những tác phẩm ảnh nghệ thuật gắn với vùng biển do chính ông chụp. Ấn tượng nhất trong các bức ảnh về đời sống biển có lẽ là bức hình chụp một người phụ nữ luống tuổi đứng trước biển khi trời đang nổi cơn giông. Quần ống xăn ống thả, đội chiếc nón thụp, nhìn từ sau lưng có thể thấy chị đang nhìn về biển xa. Mỹ Dũng nói: “Chị đang ngóng chồng đấy!”. Chợt nhớ câu: “Lấy chồng đi biển, hồn treo cột buồm”…

Nghĩ về Bảo tàng biển

Rời căn phòng đầy ký ức về biển của nhiếp ảnh gia Mỹ Dũng, chúng tôi đến Bảo tàng Đồng Đình, nơi có “Nhà ký ức làng chài” – tâm huyết của nhà thơ, nhà báo – đạo diễn, NSƯT Đoàn Huy Giao, chủ nhân của Bảo tàng Đồng Đình, người hiện sở hữu hàng trăm hiện vật, cổ vật có giá trị về lịch sử và khảo cổ học. Với NSƯT Đoàn Huy Giao, trong các không gian của Bảo tàng Đồng Đình, trong nhiều sưu tập quý ông sưu tầm được hơn 40 năm qua, “Nhà ký ức làng chài” có ý nghĩa đặc biệt, bởi đó là nơi lưu giữ những câu chuyện về làng Nam Thọ quê ông trước tốc độ chóng mặt của cuộc đô thị hóa.

“Nhà ký ức làng chài” được cất hơn 2 năm nay là ngôi nhà làm toàn bằng các vật liệu từ hai chiếc thuyền đi biển của người Nam Thọ. Bên trong căn nhà, các vật dụng gắn với đời sống lao động của người đi biển như thúng mủng, chài lưới, bầu mắm, hủ mắm treo đầu giàn… được bày biện gọn ghẽ. Ngoài các vật dụng gắn với nghề đi biển, các bức ảnh đen trắng được treo trong ngôi nhà làng chài tạo ấn tượng đặc biệt với nhiều khách tham quan. NSƯT Đoàn Huy Giao cho biết, đây là những bức ảnh được người Pháp chụp từ đầu thế kỷ XX tại làng Nam Thọ – tư liệu bằng hình ảnh quý giá về cuộc sống của cha ông xưa.

Trong câu chuyện với chúng tôi, NSƯT Đoàn Huy Giao nhắc lại nhiều lần cái gọi là bảo tàng biển. Ông nói “nhà ký ức làng chài” chỉ phản ánh được một phần rất nhỏ câu chuyện của làng ông, của nghề đi biển. “Bảo tàng là căn cước của địa phương, của vùng miền, dân tộc. Văn hóa biển đóng vai trò quan trọng trong đời sống của cư dân các vùng duyên hải nói riêng, người Việt nói chung, trong đó có thành phố biển Đà Nẵng, vậy mà đến nay chúng ta chưa có một “thẻ căn cước” nào về vùng văn hóa độc đáo này. Đó quả là một điều rất đáng tiếc”.

Còn với nhiếp ảnh gia Mỹ Dũng, cuộc tìm kiếm, sưu tầm các hiện vật, đồ dùng liên quan đến đời sống người đi biển chưa bao giờ ngừng. Bên cạnh niềm đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh, ông sẽ dành nhiều thời gian để hoàn thiện không gian văn hóa biển của riêng mình.

Thanh Tâm

You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2023
close-link
​​​