Bộ tiêu chí “Chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch tại khu, điểm du lịch” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Dong Huyen Khong
1.753

BỘ TIÊU CHÍ
“CHUẨN CHUYÊN NGHIỆP TRONG PHỤC VỤ KHÁCH DU LỊCH
TẠI KHU, ĐIỂM DU LỊCH”

Chương I
NỘI DUNG CHUNG

Điều 1. Mục đích và tên gọi

  1. Góp phần định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức giao tiếp, kỹ năng của nhân viên phục vụ tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
  2. Tuyên truyền và áp dụng thực hiện trong quá trình hoạt động của các khu, điểm du lịch nhằm làm hài lòng và tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách.
  3. Tên gọi: Bộ tiêu chí “Chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch tại khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Bộ tiêu chí quy định những tiêu chuẩn về tính chuyên nghiệp trong hoạt động phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, áp dụng đối với các đơn vị kinh doanh khu, điểm du lịch và nhân viên phục vụ tại đơn vị.

Chương II

NỘI DUNG CỤ THỂ

Điều 3. Tác phong, phong cách phục vụ chuyên nghiệp

  1. Tác phong của nhân viên phục vụ

– Trang phục: Gọn gàng, phù hợp với thời tiết, khí hậu. Nên mặc đồng phục của đơn vị để tạo sự đồng bộ và chuyên nghiệp. Chọn loại giày, dép phù hợp với trang phục, phù hợp với hoàn cảnh và thoải mái cho bản thân, luôn đảm bảo vệ sinh. Đeo bảng tên hoặc đeo thẻ hướng dẫn viên tại điểm theo quy định.

– Ngoại hình: Giữ đầu tóc gọn gàng, sạch sẽ.

  1. Phong cách, thái độ phục vụ

– Tư thế:

+ Luôn đứng thẳng.

+ Đi lại nhẹ nhàng, không lê bước chân, bước vừa phải và trong tầm nhìn của khách trong quá trình hướng dẫn.

– Giao tiếp với khách:

+ Cần nói rõ ràng, dễ hiểu.

+ Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, không được nói tục, dùng những lời lẽ thiếu văn hóa, ứng xử văn minh, lịch sự đối với du khách.

+ Luôn lắng nghe khách, thái độ ân cần, nhã nhặn, sẵn sàng giúp đỡ khách khi cần.

+ Luôn gây thiện cảm với mỗi vị khách bằng nụ cười.

+ Việc giao tiếp giữa các nhân viên phải riêng biệt và ở nơi khách không thể nghe thấy.

– Hạn chế các thói quen cá nhân:

+ Tối thiểu không hít mũi, ho, hắt hơi, ngoáy mũi, xỉa răng, khạc nhổ, gãi, ngáp, vươn vai hoặc cho thấy cách ứng xử khó gần. Nếu không kìm nén được phải quay mặt đi hướng khác và tay che miệng lại.

+ Không hút thuốc khi đang làm việc.

– Ăn uống:

+ Đồ ăn và đồ uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được sử dụng đúng khu vực quy định cho nhân viên.

+ Nhân viên không được uống rượu, bia, thức uống có cồn, say xỉn trong khi làm việc.

Điều 4. Giao tiếp ứng xử và xử lý tình huống của nhân viên tại các khu, điểm du lịch

  1. Xử lý yêu cầu của khách

– Chăm sóc khách qua điện thoại:

+ Tuân theo các quy định, nguyên tắc khi trả lời điện thoại của khu, điểm du lịch.

+ Nếu có thể, hãy trả lời yêu cầu của khách ngay lập tức.

+ Trường hợp cần tìm hiểu kỹ, ghi lại thông tin và bố trí thời gian gọi lại khách.

– Chăm sóc khách qua email:

+ Nếu có thể, hãy trả lời yêu cầu của khách ngay lập tức.

+ Nếu cần kiểm tra, hãy xác nhận đã nhận email và thời gian phản hồi lại cho khách.

+ Theo sát yêu cầu cho đến khi đã trả lời đầy đủ cho khách.

– Chăm sóc khách qua trao đổi trực tiếp:

+ Sử dụng bút và giấy để ghi lại yêu cầu của khách.

+ Nếu có thể, hãy trả lời yêu cầu của khách ngay lập tức.

+ Trường hợp cần tìm hiểu kỹ, ghi lại thông tin và bố trí thời gian gọi lại khách.

+ Đưa cho khách danh thiếp của bạn, nếu có sẵn.

  1. Kỹ năng xử lý tình huống thường gặp trong phục vụ khách du lịch tại khu, điểm du lịch

a) Xử lý phàn nàn chung

– Tiếp nhận phàn nàn từ khách hàng

+ Khi gặp một vấn đề nào đó không thoải mái về dịch vụ, khách sẽ có xu hướng bực dọc, cáu gắt, và có thể sẽ có thái độ mất bình tĩnh, hãy để cho các khách nói hết, không nên ngắt lời, hãy thể hiện sự bình tĩnh để khách cũng phần nào nguôi ngoai cơn giận.

+ Đưa khách đến khu vực yên tĩnh để có thể dễ dàng trao đổi, tuyệt đối không nên ở các nơi đông đúc, ồn ào, có thể gây chú ý với những người khác.

+ Tập trung lắng nghe và không quên cảm ơn khách vì đã nói về tình hình thực tế, hẹn với khách sẽ kiểm tra lại và xử lý vấn đề này.

– Xử lý phàn nàn của khách hàng

+ Sau khi có những phàn nàn, cần nghe hết lời khách rồi thực hiện các công đoạn sau: hỏi và ghi lại tên khách, đồng thời cư xử khéo léo. Sau đó, ghi lại chính xác những phàn nàn về sự việc mà khách đã phản ánh.

+ Cảm ơn khách đã cho bạn biết về sự việc, vấn đề của dịch vụ, sản phẩm, con người… tại khu, điểm du lịch.

+ Thông báo cho khách biết thêm việc có thể hoặc sắp làm về điều than phiền của họ (gọi giám sát ngay và thông báo lời than phiền của khách).

 + Theo dõi việc giải quyết phàn nàn của khách, đồng thời, hãy kiểm tra kỹ cùng khách để đảm bảo khách hài lòng với cách xử lý đó. Nếu bạn không thể tự mình giải quyết được, hãy nhờ giám sát hoặc văn phòng bộ phận giúp đỡ giải quyết vấn đề.

b) Một số tình huống thường gặp

– Khách bị thất lạc hành lý, giấy tờ:

+ Trấn an khách, phối hợp với hướng dẫn viên, cùng khách xác định loại hành lý, giấy tờ bị thất lạc, thời gian, địa điểm có thể xảy ra thất lạc.

+ Lập biên bản (phối hợp với hướng dẫn viên, nếu có) về việc thất lạc hành lý, giấy tờ của khách với nội dung đầy đủ. Biên bản cần được làm thành hai bản trở lên, mỗi bên liên quan (khách, hướng dẫn viên, đại diện nơi xảy ra thất lạc…) giữ một bản.

+ Bộ phận an ninh triển khai việc trích xuất camera tại các điểm có khả năng thất lạc hành lý.

+ Động viên khách và giúp đỡ khách trong khả năng có thể, thông báo cho khách hoặc hướng dẫn viên khi tìm thấy.

– Khách bị ngộ độc thức ăn:

+ Bình tĩnh và báo ngay cho bộ phận y tế tại cơ sở.

+ Bộ phận y tế phối hợp với hướng dẫn viên hoặc các thành viên trong đoàn tiến hành sơ cứu cho khách.

+ Nếu khách bị ngộ độc ở mức độ nhẹ, chỉ cần nghỉ ngơi, người lái phương tiện phối hợp với hướng dẫn viên hoặc thành viên trong đoàn ưu tiên đưa khách về nơi lưu trú hoặc bố trí nơi nghỉ ngơi cho khách và thường xuyên hỏi thăm tình hình sức khỏe của khách.

+ Nếu khách bị ngộ độc nặng, gọi ngay xe cấp cứu để di chuyển đến bệnh viện gần nhất. Thường xuyên nắm thông tin, tình hình điều trị của khách và hỗ trợ khách khi cần thiết. Đồng thời thông báo cho chính quyền địa phương và Trung tâm hỗ trợ du khách để được hỗ trợ.

+ Phối hợp làm các thủ tục truy cứu trách nhiệm của các đơn vị cung cấp trách nhiệm nếu khách sử dụng dịch vụ tại nhà hàng trong khu, điểm du lịch.

– Khách gặp tai nạn trong quá trình tham quan

+ Bộ phận y tế nhanh chóng thực hiện sơ cấp cứu tại chỗ cho nạn nhân. Nếu trường hợp nặng thì gọi xe cấp cứu đưa đến cơ quan y tế gần nhất để điều trị. Thông báo ngay cho chính quyền địa phương (trực tiếp quản lý tại địa bàn). Đồng thời thông báo cho Trung tâm hỗ trợ du khách để được hỗ trợ. Thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình điều trị của khách và hỗ trợ khách khi cần thiết.

+ Phối hợp với hướng dẫn viên hoặc thành viên trong đoàn lập biên bản xác định mọi tình tiết liên quan đến tình huống gây tai nạn cho khách du lịch. Biên bản cần lập đúng thủ tục, có chữ ký của các đơn vị liên quan (trưởng đoàn, hướng dẫn viên, những người chứng kiến sự việc, đại diện chính quyền, đại diện cơ quan liên quan…).

+ Động viên khách, xử lý bồi thường thiệt hại cho khách nếu tai nạn do lỗi của đơn vị kinh doanh khu, điểm du lịch gây ra.

Điều 5. Tiêu chuẩn về chính sách và đạo đức kinh doanh của các khu, điểm du lịch

  1. Yêu cầu về công khai thông tin và chính sách kinh doanh

– Nghiêm túc thực hiện các quy định về đăng ký giá, niêm yết giá bán cụ thể các sản phẩm, dịch vụ của đơn vị và bán đúng giá niêm yết.

– Thực hiện kê khai giá trực tuyến trên phần mềm kê khai giá trực tuyến của Sở Tài chính: kekhaigia.danang.gov.vn (Liên hệ Sở Tài chính (thông qua Phòng Quản lý Giá – Công sản), tầng 7 Trung tâm hành chính, 24 Trần Phú, điện thoại: 0236.3825945 để được hướng dẫn kê khai giá dịch vụ lưu trú nếu có).

– Niêm yết giá bán cụ thể các sản phẩm, dịch vụ của đơn vị tại các khu vực dịch vụ.

– Công khai thông tin bảng nội quy tại khu, điểm du lịch, các bảng hướng dẫn, bảng khuyến cáo, các chính sách giá vé tham quan tại khu vực bán vé và khu vực dễ tiếp cận của khu, điểm du lịch.

  1. Yêu cầu về đạo đức kinh doanh

– Luôn trung thực: Không gây nhầm lẫn, lừa dối về chất lượng sản phẩm, dịch vụ và gây thất thoát tài sản của khách.

– Làm việc với tất cả uy tín và danh dự.

– Luôn đối đãi chu đáo, quan tâm và công bằng với khách hàng, không kỳ thị, phân biệt khách hàng.

– Luôn hướng đến cung cấp chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt nhất có thể cho khách hàng.

– Tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại khu, điểm du lịch.

  1. Quy trình chuẩn bị, lưu trữ hồ sơ pháp lý và công việc

– Xác định cách thức quản lý hồ sơ:

+ Xác định thời hạn lưu trữ hồ sơ (5 năm, 10 năm …) theo yêu cầu của từng loại hồ sơ.

+ Xác định chính sách lưu trữ, quản lý các loại hồ sơ mật, quan trọng, thông thường.

+ Luôn đảm bảo sẵn sàng một bộ hồ sơ giấy tờ pháp lý của đơn vị photo công chứng để xuất trình cơ quan nhà nước khi có yêu cầu.

+ Lưu ý đóng tập thông tin công văn dến, công văn đi, biên bản làm việc với các đoàn kiểm tra.

– Xây dựng quy trình quản lý hồ sơ:

+ Xác định phương pháp, hình thức lưu trữ và hủy hồ sơ.

+ Lập và cập nhật danh mục các hồ sơ.

+ Phân loại, sắp xếp và bảo quản hồ sơ theo yêu cầu thời hạn lưu trữ và tầm quan trọng của hồ sơ.

– Thường xuyên theo dõi, cập nhật danh mục các hồ sơ lưu trữ để bổ sung hoặc hủy.

Điều 6. Tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường đối với cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch

  1. Về bảo vệ môi trường tự nhiên tại khu, điểm du lịch

a) Phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường

– Vị trí, kiến trúc phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, dễ tiếp cận, thoáng mát, thân thiện với môi trường.

– Thực hiện lập Đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường và đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường phải thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.

– Phòng ngừa, ứng phó với sự cố, rủi ro: định kỳ tổ chức diễn tập ứng phó với các sự cố môi trường và các sự cố có thể phát sinh trong quá trình hoạt động.

– Ngưỡng chịu tải môi trường: quy định lượng khách du lịch vào khu, điểm du lịch, đảm bảo không vượt quá sức chịu tải của cơ sở.

– Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định.

b) Quản lý chất thải và kiểm soát ô nhiễm

– Nước thải phải được thu gom đạt tỷ lệ 100%, và xử lý sơ bộ trước khi đưa vào hệ thống thu gom chung để xử lý trước khi thải ra môi trường.

– Hệ thống xử lý phải được xây dựng và vận hành theo đúng quy định; tỷ lệ thu gom và xử lý đạt 100%; nước thải sau khi xử lý phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải (nếu có hệ thống).

– Chất thải rắn phải được thu gom và phân loại ngay tại nguồn thành rác thải hữu cơ; rác thải vô cơ; rác thải tái chế.

– Thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt:

          + Phải có nắp đậy và được thiết kế thuận tiện cho việc phân loại rác tại nguồn; có kích cỡ phù hợp với thời gian lưu chứa. Không làm rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi, nước rò rỉ;

          + Khoảng cách đặt các thiết bị phải đảm bảo thuận tiện cho việc thu gom rác (50 – 100m).

– 100% chất thải nguy hại phải được phân loại, thu gom riêng và chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân có giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

– Khuyến khích không sử dụng chất thải nhựa dùng một lần tại đơn vị.

c) Bảo vệ môi trường không khí và kiểm soát tiếng ồn

– Có biện pháp quản lý và kiểm soát tiếng ồn không vượt quá giới hạn tối đa cho phép.

– Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Khuyến cáo không hút thuốc lá trong khu vực; Có hệ thống bảng khuyến cáo bằng chữ viết (Tiếng Việt và Tiếng Anh) và hình ảnh minh họa; Đối với những cơ sở có quy mô lớn cần thiết kế khu vực hút thuốc lá riêng.

d) Chất lượng nước

Nguồn nước sử dụng phục vụ sinh hoạt và các hoạt động vui chơi giải trí (bể bơi, công viên nước…) phải đạt yêu cầu về chất lượng nước sinh hoạt.

đ) Nhà vệ sinh

– Đáp ứng tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch được quy định tại Quyết định số 225/QĐ-TCDL ngày 08/5/2012 của Tổng cục du lịch; đảm bảo dễ nhận biết, dễ tiếp cận, an ninh, an toàn cho người sử dụng; trang thiết bị hoạt động tốt, lắp đặt chắc chắn, gọn gàng, bảo đảm thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng;

– Riêng các cơ sở khu, điểm du lịch có quy mô lớn phải thiết kế nhà vệ sinh có tiện ích phục vụ cho người khuyết tật.

e) Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học

– Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên:

+ Sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện.

+ Khuyến khích lắp đặt vòi nước cảm ứng; bồn tiểu cảm ứng.

+ Sử dụng năng lượng tái tạo.

– Sử dụng nguyên, vật liệu, sản phẩm thân thiện với môi trường:

+ Sử dụng hóa chất tẩy rửa, đồ dùng, vật liệu thân thiện với môi trường.

+ Đối với các cơ sở có hoạt động vui chơi dưới nước (bể bơi; công viên nước…) việc sử dụng hóa chất khử trùng phải tuân thủ theo đúng quy định về thành phần và lượng sử dụng.

g) Các phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường

Sử dụng các loại phương tiện tiết kiệm nhiên liệu; không phát sinh khí thải độc hại (xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện, ô tô điện…) hoặc hoạt động bằng nhiên liệu thân thiện với môi trường.

h) Bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học

– Không gây các tác động xấu, làm suy giảm các hệ sinh thái trong quá trình xây dựng và kinh doanh.

– Không kinh doanh, sản xuất, tiêu thụ các loài thực vật, động vật hoang dã quý hiếm và hàng hóa có nguồn gốc từ thực vật, động vật quý hiếm.

  1. Bảo vệ môi trường xã hội

Đảm bảo trật tự xã hội, an ninh an toàn cho du khách:

+ Ngăn chặn các đối tượng lừa đảo, móc túi, ăn xin, bán hàng rong…;

+ Không chèo kéo, ép buộc khách du lịch mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ;

+  Thực hiện đầy đủ các biện pháp đã được phê duyệt tại báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đảm bảo an ninh an toàn cho du khách.

Niêm yết giá các sản phẩm, dịch vụ

+ Bảng niêm yết giá phải treo ở vị trí thuận tiện cho việc quan sát;

+ Nội dung trình bày rõ ràng, công khai cập nhật thường xuyên đơn giá của từng loại sản phẩm, dịch vụ.

– Hỗ trợ và chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương

+ Sử dụng các nguyên vật liệu từ địa phương phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách;

+ Tạo điều kiện cho các lao động địa phương làm việc tại cơ sở;

+ Ưu tiên cung cấp các sản phẩm đặc trưng riêng của địa phương;

+ Chia sẻ, đóng góp các nguồn lực góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Tiếp nhận thông tin và xử lý các vấn đề môi trường

+ Chịu trách nhiệm với các vấn đề môi trường do cơ sở gây ra làm ảnh hưởng đến du khách, cộng đồng dân cư;

+ Thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin về các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường.

  1. Thông tin và truyền thông

– Niêm yết các quy định về bảo vệ môi trường: Đặt tại vị trí dễ quan sát; Có bảng riêng hoặc lồng ghép với Nội quy của cơ sở; Nội dung niêm yết phải ghi rõ các quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở.

– Tuyên truyền, giáo dục, vận động tham gia bảo vệ môi trường: Có trách nhiệm vận động nhân viên tại đơn vị, cộng đồng địa phương và du khách bảo vệ môi trường.

– Tập huấn, giáo dục bảo vệ môi trường: tạo điều kiện cho nhân viên tham gia các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường do các cơ quan có chức năng tổ chức.

  1. Nguồn lực và nghĩa vụ bảo vệ môi trường

– Nguồn lực bảo vệ môi trường: Bố trí nhân lực và kinh phí đảm bảo cho các hoạt động bảo vệ môi trường tại cơ sở.

– Thực hiện nghĩa vụ nộp thuế môi trường, phí bảo vệ môi trường; Chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES):

+ Các cơ sở xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường;

+ Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch

– Thực hiện báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ hàng năm và báo cáo theo yêu cầu của các cơ quan có chức năng.

– Có hình thức khen thưởng, động viên nhân viên tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường.

  1. Các điều kiện khác

– Bố trí bảng nội quy hướng dẫn về công tác đảm bảo an toàn cho du khách; bảng niêm yết các hoạt động bảo vệ môi trường cảnh quan; bảng cảnh báo, chỉ dẫn đặt tại những khu vực du khách dễ nhìn thấy (bằng tiếng Việt- tiếng Anh).

– Có tổ cấp cứu, trang thiết bị cần thiết và đội ngũ nhân viên được tập huấn về các kỹ năng cứu hộ, cứu nạn. Xây dựng phương án cứu hộ đảm bảo an toàn cho khách du lịch, bố trí lực lượng cứu hộ trực thường xuyên tại những khu vực nguy hiểm khi có du khách tham gia hoạt động tại khu, điểm du lịch.

– Trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy, sẵn sàng cho công tác phòng chống cháy rừng tại chỗ. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn du khách chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng khi tham quan, du lịch.

Điều 7. Các quy trình chuyên nghiệp khi phục vụ khách tại các khu, điểm du lịch

Căn cứ tình hình thực tế, quy mô hoạt động và các dịch vụ hiện có của khu, điểm du lịch, chủ cơ sở chủ động xây dựng các quy trình phù hợp, cụ thể:

– Quy trình phục vụ khách của nhân viên bán vé, soát vé: quy trình bán vé, kiểm soát vé tại cổng ra vào.

– Quy trình hướng dẫn du khách: quy trình của lễ tân, quy trình của hướng dẫn viên tại điểm, quy trình của nhân viên hướng dẫn sử dụng thiết bị, phương tiện.

– Quy trình phục vụ khách của nhân viên an ninh: quy trình tuần tra các khu vực trong khu, điểm du lịch, quy trình xử lý mất mát, hư hỏng, tội phạm, tai nạn, hỏa hoạn, an ninh trật tự.

– Quy trình thực hiện phòng cháy chữa cháy tại đơn vị.

– Quy trình cứu hộ, cứu nạn: quy trình đảm bảo tính mạng cho du khách, quy trình xử lý tình huống khách bị tai nạn.

 – Quy trình kiểm định thiết bị, phương tiện phục vụ khách: quy trình của nhân viên kiểm định thiết bị, phương tiện trước khi phục vụ khách.

 – Quy trình phục vụ khách của nhân viên nhà hàng: quy trình chuẩn bị nhà hàng, chăm sóc khách hàng, phục vụ nhà hàng nói chung, phục vụ buffet, phục vụ khách gọi món.

 Đối với khu, điểm du lịch có các dịch vụ lưu trú, nhà hàng, mua sắm, spa sẽ thực hiện theo bộ tiêu chuẩn riêng của từng dịch vụ.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Phân công tổ chức thực hiện

  1. Sở Du lịch có trách nhiệm phối hợp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện Bộ tiêu chí này.
  2. Đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố, UBND các quận huyện phối hợp với Sở Du lịch triển khai phổ biến, tuyên truyền, giám sát thực hiện Bộ tiêu chí trên địa bàn.
  3. Đề nghị Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, tổ chức xã hội – nghề nghiệp có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền Bộ tiêu chí.
  4. Chủ đầu tư kinh doanh khu, điểm du lịch và nhân viên phục vụ tại khu, điểm du lịch có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu thực hiện Bộ tiêu chí để từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Điều 9. Điều chỉnh, bổ sung

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc hoặc có những nội dung chưa phù  hợp với thực tế, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ảnh về Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng để tổng hợp, xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

SỞ DU LỊCH ĐÀ NẴNG

You might also like

Comments are closed.

​​​