Bài dự thi cuộc thi Đà Nẵng NHỚ…!




Nhịp sống biển Đà Nẵng bắt đầu từ khá sớm. Từ khi rạng đông còn chưa ló rạng, tiếng người kéo lưới đã hoà nhịp cùng tiếng sóng biển tạo thành bản tình ca trong trẻo đặc trưng miền biển. Đến khi ánh dương tỏa tia nắng đầu tiên cũng là lúc bờ biển tràn ngập tiếng người, tiếng cười trẻ thơ đùa nghịch sóng nước. Bờ biển sớm lúc ấy có những người thích “chơi trò” chôn mình trong cát, có những người chân trần chạy bộ, có người đằm mình trong làn nước biển lấp lánh tia nắng đầu ngày, cũng có những người chỉ ngồi đón bình minh lên.
Cho đến khoảng 9 giờ sáng, khi dòng người tắm biển đã trở về với cuộc sống thường ngày. Mọi ồn ào, náo nhiệt cũng lùi phía sau trả lại không gian biển tĩnh lặng, trong lành, chỉ còn lại tiếng gió đuổi nhau trên từng con sóng và tiếng sóng vỗ bờ rì rào. Tôi thích biển nhất vào lúc này.
Đó là lúc cảm nhận rõ nhất thanh âm trong trẻo của tiếng sóng biển vỗ bờ cùng nhịp bước thênh thang trên cánh đồng cát trắng mịn. Cảm giác ngỡ như lạc vào chốn thần tiên. Đứng trước biển vắng, tôi yêu cảm giác hít một hơi gió biển đầy lồng ngực rồi ngắm nhìn phía xa lấp lánh ánh bạc của tia nắng ẩn mình trong con nước. Ngắm nhìn những đôi tình nhân thong thả đạp xe trên con đường ven biển, cô bé ngồi đọc sách trên bãi cát mịn, cậu bé vui cười cho chim bồ câu ăn…Lúc đó ta sẽ “cảm” được cái bình yên trong lòng Đà Nẵng. Gia đình tôi hàng năm tìm đến Đà Nẵng cũng để tìm về cảm giác được yêu, được chạm vào cái kỳ diệu tự nhiên ấy.
Biển chiều có màu nước trong xanh và đẹp lấp lánh dưới nắng ấm. Lúc này có nhiều người ở trên bãi biển hơn, có người bay dù liệng trên đầu gió biển, có người lướt trên con sóng bằng môtô nước, trẻ em thích xây lâu đài cát chỉ để sóng biển xô vào. Biển Đà Nẵng có vẻ đẹp nên thơ và giá trị đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng thế giới. Khi đến biển Đà Nẵng, tôi không những tiếp cận những tiện ích hiện đại bậc nhất, mà còn được giao lưu với những nền văn hoá khác nhau trong và ngoài nước. Tôi yêu nét chất phác của cô bán hàng trong từng giọng nói, sự cần mẫn của bác lao công nhặt rác trên bãi biển cho đến những anh bảo hộ biển dễ thương đã làm tôi yên lòng thả mình vờn theo con sóng.
Trên bờ biển nhìn xa kia là tượng Quan Âm đứng cao bên cửa biển nhìn về thành phố như người mẹ mở rộng vòng tay từ bi ôm trọn đứa con phố biển vào lòng. Tôi được nghe câu chuyện mà người dân biển thường truyền tai nhau từ khi bức tượng được dựng xây, những cơn bão biển không còn vào Đà Nẵng nữa, người dân vì thế mà cũng yên ổn làm ăn hơn.
Nếu biển Đà Nẵng ban ngày mang vẻ đẹp thiên đường như tranh phong cảnh Bob Ross thì vào ban đêm, biển Đà Nẵng lại dịu nhẹ bí ẩn như lời thì thầm của nàng Mona Lisa về những cặp tình nhân dưới ánh trăng tròn. Chính cái vẻ lãng mạn của bờ biển đêm nơi đây mà nhiều đôi bạn trẻ đã rủ nhau đến tâm tình trên những chiếc ghế võng dọc bờ cát mịn. Biển đêm tuy đông người nhưng ai cũng có một khoảng trời riêng, ai cũng có một vùng biển vắng cho riêng mình. Chỉ có sóng biển là gã nhạc công ồn ào lúc nào cũng chăm chỉ cất vang bản nhạc tình trong trẻo và du dương.
Biển Đà Nẵng những ngày sau dịch Covid vắng người hơn, thay vì tiếng người gọi nhau chỉ nghe tiếng gió biển rít lên từng hồi. Trong tiếng gió thoảng nghe nỗi nhớ mong của biển với du khách như nỗi nhớ của cô gái biển với người yêu trong những ngày xa cách.
Đó cũng là những ngày tôi nhớ biển đến phát điên, nhớ khung cảnh bình yên của biển, nhớ những ngày hè bên bờ cát, nhớ cái nắng, nhớ cái gió, nhớ tiếng sóng vỗ rì rào. Có lúc tôi buồn cũng phải thốt lên một câu: tôi nhớ biển lắm! Tôi chỉ mong chấm dứt những ngày chôn chân một chỗ để được trở về với tiếng sóng vỗ bờ, về với cánh đồng cát trắng, về với những cây cầu và thỏa sức vi vu trên những cung đường biển.
Ai rồi cũng có một nơi để nhớ, có một miền cổ tích cho riêng mình. Với tôi, nơi mang đến cho tôi tình yêu, cho tôi sự lưu luyến, nhung nhớ khôn nguôi khi rời xa chính là biển Đà Nẵng. Nỗi nhớ cứ ngọt dịu như lời thì thầm của biển:
Có bờ cát, có tấm lòng em đó.
Trái tim em đã bao lần muốn ngỏ,
Lời yêu anh thêm chan chứa ngọt ngào.”